NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT (25.4):
Đầu tư nguồn lực nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét
Ngày 22.4, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) tổ chức lễ mít - tinh và phát động chiến dịch phòng chống và loại trừ sốt rét nhân Ngày thế giới phòng chống sốt rét (25.4) năm 2021 với chủ đề “Đầu tư nguồn lực nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét”. PGS. TS Hồ Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn trả lời phỏng vấn của Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.
*Từ năm 2007, ngày 25.4 hằng năm được chọn là Ngày Sốt rét thế giới (World Malaria Day) để ghi nhận những nỗ lực toàn cầu phòng chống sốt rét, xin ông cho biết tình hình bệnh sốt rét hiện nay như thế nào?
- Ngày Sốt rét thế giới 25.4.2021 là lần thứ 14 thế giới và Việt Nam phát động nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về sốt rét. Đây là căn bệnh nguy hiểm, hằng năm làm chết hàng triệu người và ảnh hưởng tới sức khỏe hàng trăm triệu người khác nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được. Việc tổ chức Ngày Sốt rét thế giới nhằm từ đó tăng cường chiến lược phòng chống sốt rét bao gồm các hoạt động phòng ngừa và điều trị sốt rét dựa vào cộng đồng ở các vùng sốt rét lưu hành.
Cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn tẩm màn phòng, chống sốt rét cho người dân.
Năm 2020 cả nước có 1.733 ca, giảm 8.713 ca so với năm 2016 và chỉ có 1 ca tử vong do sốt rét. Riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, năm 2020 có 1.175 ca, giảm 1.781 ca so với ca năm 2016 nhưng lại chiếm 67% số ca cả nước. Đáng mừng là tại Bình Định, năm vừa rồi chỉ có vài ca. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành công nhất định, nhưng bệnh sốt rét vẫn còn là một thách thức lớn đối với xã hội, nguy cơ bùng phát trở lại.
Ngoài vấn đề chuyên môn, kỹ thuật như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất, là sự phục hồi của các vector ở các vùng ngừng các biện pháp can thiệp hóa chất. Mạng lưới y tế thôn bản luôn là vấn đề mấu chốt để phát huy và duy trì thành quả nhưng chúng ta chưa bao phủ được hết, nhiều nơi có nhân viên y tế thôn nhưng thù lao còn thấp, trong khi địa bàn phức tạp và với kiến thức chuyên môn hạn chế nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên - đặc biệt là Tây Nguyên - nằm trong khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước, luôn lưu hành một mặt bằng tỷ lệ mắc, chết cao hơn các khu vực khác trong toàn quốc. Tỉnh Bình Định có mối liên hệ rất đặc biệt với các tỉnh Tây Nguyên nên mức độ ảnh hưởng cũng rất cao. Trong khi đó di biến động dân cư lớn, đặc biệt là di dân tự do ở khu vực này khó kiểm soát. Tình hình KT-XH vùng sốt rét còn nhiều khó khăn; tập quán đi rừng, ngủ rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nên luôn luôn lưu hành một tỷ lệ khá cao ký sinh trùng lạnh trong cộng đồng. Về cơ cấu ký sinh trùng, tỷ lệ P.falciparum chiếm 60 - 70% gây ra sốt rét ác tính và đa kháng với các loại thuốc chống sốt rét.
*Như vậy mục tiêu loại trừ hoàn toàn sốt rét có khả thi không, thưa ông?
- Tôi tin là khả thi. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ đạt chỉ tiêu loại trừ sốt rét. Theo các tính toán, đây là thời điểm đặc biệt tốt để loại trừ sốt rét và cơ hội như vầy thì không nhiều, nếu không quan tâm đúng mức thì chúng ta mất đi cơ hội quý giá đó.
Nói bây giờ là điều kiện tốt nhất là vì hiện tại điều kiện vật chất thuốc men, vật tư y tế rất tốt. Mỗi trạm y tế đều được chúng tôi cấp một kính hiển vi, TTYT các huyện, thị xã, thành phố vừa điều trị vừa có y tế dự phòng. Đời sống người dân phát triển nên sức khỏe khá hơn. Hơn nữa, trải qua thời gian dài tuyên truyền, vận động, ý thức người dân đã tốt lên. Bên cạnh đó, đô thị hóa phát triển cũng góp phần đẩy lùi sốt rét.
Lấy ví dụ cụ thể như tại tỉnh Bình Định, bộ mặt ở các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão cũng đã đổi khác, đô thị lan rộng, cảnh quan sáng hơn, muỗi ít có điều kiện phát triển. Đồng thời, dự án toàn cầu cấp màn phòng chống sốt rét cho người dân khá đầy đủ. Thời gian qua sốt rét vẫn còn nhưng rất ít, tập trung ở một số huyện miền núi và không có ca tử vong. Đến nay, TX Hoài Nhơn đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét và TP Quy Nhơn đang làm hồ sơ để được công nhận. Điều kiện tiên quyết để được công nhận loại trừ là 3 năm liên tục không có ca bệnh. Ở vùng núi, tình hình dịch bệnh cũng đang được kiểm soát rất tốt nên việc loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh là không khó. Vì vậy dự kiến đến năm 2025, Bình Định có thể hoàn thành các tiêu chí loại trừ sốt rét, thậm chí nếu tích cực thì năm 2023 đã có thể hoàn thành.
*Thưa ông, để loại trừ sốt rét và đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới chúng ta nên làm gì?
- Ở Việt Nam, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về phòng chống sốt rét nên những năm gần đây bệnh sốt rét có xu hướng giảm thấp, nhưng nguy cơ sốt rét vẫn còn cao đặc biệt là các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với số mắc sốt rét hằng năm gần 50%, số ca chết trên 80% so với cả nước và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào; việc chỉ đạo phòng chống sốt rét còn nhiều khó khăn do chưa kiểm soát được số ca nhiễm bệnh ở các đối tượng; chưa có biện pháp bảo vệ như dân di cư tự do, dân đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới. Do vậy, dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng chúng ta không được lơ là mà phải đầu tư mạnh hơn để loại trừ hoàn toàn sốt rét.
Nhân Ngày thế giới phòng chống sốt rét (25.4), tôi đề nghị trung tâm kiểm soát bệnh tật của 15 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tăng cường chỉ đạo hệ thống y tế tổ chức phòng chống loại trừ sốt rét tại địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, phối hợp các ban - ngành, đoàn thể triển khai có hiệu quả công tác phòng chống sốt rét, chú trọng phối hợp với quân y và BĐBP; tăng cường công tác giám sát dịch tễ sốt rét, chú trọng tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch, vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới. Thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị ca bệnh, đảm bảo uống thuốc đủ liều, đủ ngày điều trị. Củng cố và xây dựng mạng lưới y tế thôn bản, quan tâm công tác quản lý y tế tư nhân, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống sốt rét nhằm thúc đẩy nhanh hơn lộ trình loại trừ sốt rét chuẩn bị điều kiện chuyển sang chiến lược loại trừ ở một số vùng.
THẢO KHUY (Thực hiện)