BỜ SÔNG CÔN, ĐOẠN QUA XÃ BÌNH TƯỜNG (HUYỆN TÂY SƠN):
Cần sớm xây dựng kè để tránh xói lở
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân 2 thôn Hòa Sơn và Hòa Trung (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) ở dọc bờ sông Côn luôn sống trong tình trạng lo âu mỗi khi nước lũ về. Cơn bão số 9 năm 2020 đã làm bật gốc, cuốn trôi hàng loạt bụi tre và gây xói lở đất đoạn kè sông tại xóm 6 (xóm Cát) thôn Hòa Trung, xâm thực đến sát nhà dân.
Bà Nguyễn Thị Mai, ở xóm 6, thôn Hòa Trung, cho biết: Bờ sông Côn đoạn chảy qua thôn Hòa Trung bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất canh tác dọc triền sông của bà con đã bị “hà bá” nhấn chìm. Nhiều ngôi nhà chỉ cách mép bờ sông chừng 3 - 4 m. “Cách đây chừng 10 năm, khoảng cách từ bờ sông đến vùng đất canh tác hơn 10 m, có đoạn gần 20 m. Nhưng vài năm nay, nước lũ xâm thực mạnh, ăn sâu vào mỗi năm từ 2 - 3 m. Nhất là tại khu vực xóm 6, nhiều nhà chỉ còn cách mép sông chừng 2 m, cá biệt như nhà bà Mai và 5 hộ khác chỉ còn cách mép sông vài gang tay. Vì vậy, cứ vào đầu mùa mưa, chính quyền địa phương phải xuống vận động các hộ này di dời khẩn cấp đến nơi cao hơn.
Tương tự, nhiều vị trí dọc sông Côn qua địa bàn thôn Hòa Sơn cũng bị nước lũ cuốn nhiều diện tích đất sản xuất của người dân. Ông Trương Văn Bình, ở thôn Hòa Sơn cho hay: “Tình trạng sạt lở bờ sông Côn diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân ngoài việc ảnh hưởng bởi tình hình mưa lũ, một phần do nạn khai thác cát của các DN trước đó làm lòng sông bị biến dạng, khiến dòng chảy bị thay đổi nên mỗi khi nước từ thượng nguồn đổ về lại xoáy sâu vào bờ, gây sạt lở”.
Ông Bình chỉ tay tại vị trí nhiều bụi tre bị nước lũ cuốn trôi, xâm thực đến sát nhà dân tại xóm 6, thôn Hòa Trung vào mùa mưa bão vừa qua.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Minh Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tường, xác nhận: Tình trạng trên diễn ra hằng năm và ngày càng phức tạp, nghiêm trọng nhất là khu vực xóm 6 thôn Hòa Trung, nước lũ đã làm sạt lở hơn 200 m đê, nhiều đoạn nước xâm thực sát nhà dân, xã cũng đã nắm bắt thông tin từ phản ánh của người dân để báo cáo với UBND huyện. Vừa qua, lãnh đạo huyện và các ngành chức năng của tỉnh cũng đã về kiểm tra thực tế để có phương án đầu tư xây dựng kè. Tại khu vực này, trước đây là mỏ cát của Tập đoàn Phúc Lộc, việc có ảnh hưởng đến dòng chảy hay không thì cơ quan chức năng sớm kiểm tra trả lời cho dân.
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, ngoài các điểm xung yếu trên, hiện nay vẫn còn nhiều điểm đê sông Côn bị sạt lở, kinh phí không đủ để cùng lúc kiên cố hóa các công trình. Vì vậy, biện pháp tạm thời của huyện là phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động kiểm tra, chuẩn bị bố trí trước địa điểm di dời dân trong những trường hợp cần thiết; cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động đề phòng và sơ tán kịp thời.
“Hiện tại các khu vực bị sạt lở bờ sông Côn qua địa bàn các xã trong huyện đã được Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh lập phương án đầu tư, đưa vào nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), trình cơ quan chức năng của Trung ương xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, do còn thiếu một số thủ tục và chờ các địa phương trong cả nước gửi về mới tổng hợp, nên việc triển khai đầu tư xây dựng dự án sẽ bị chậm”, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thông tin thêm.
Bài, ảnh: VĂN LƯU