Phát huy quyền sở hữu trí tuệ: Những dấu hiệu khởi sắc
Vài năm gần đây, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu khởi sắc. DN quan tâm hơn đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tận dụng ưu thế có được từ nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ biến thành lợi thế cạnh tranh.
Theo Sở KH&CN, tính đến nay, cả tỉnh đã có 2 bằng độc quyền sáng chế, 3 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 41 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 977 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thông thường, 19 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, 22 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Một số DN quan tâm đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và sớm khẳng định được vị trí thương hiệu của mình như: HTXNN Ngọc An, Cơ sở Trà Dung Cazin, bánh cốm và kẹo Phong Nga, Công ty TNHH Sachi Nguyễn, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng T.M.N. Điểm đáng lưu ý là hầu hết các bằng, chứng nhận kể trên hầu hết thuộc về DN vừa và nhỏ.
Với nỗ lực ròng rã 17 năm trong hoàn chỉnh sản phẩm, tạo dựng niềm tin, định vị thương hiệu, năm 2006, HTXNN Ngọc An, ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Ngọc An” cho 2 sản phẩm Dầu dừa và Bánh tráng nước dừa. Nhờ đó, khách hàng tìm đến HTX ngày càng đông, hàng hóa của HTX được lan tỏa khắp nơi.
Nhưng, việc xác lập quyền SHTT mới chỉ là bước đầu. Để phát huy được giá trị tài sản trí tuệ, HTX còn xây dựng và vận hành hệ thống phát huy SHTT, áp dụng tiến bộ KHKT, liên tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó khẳng định uy tín thương hiệu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, HTX đã xây dựng tiêu chuẩn thực hành tốt “5S và Kaizen”, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP; đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, đăng ký mã QR cũng như mã số, mã vạch cho các sản phẩm.
HTXNN Ngọc An cũng là đơn vị đầu tiên được “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Định đến năm 2020” của tỉnh hỗ trợ xây dựng thành công “Hệ thống quản trị tài sản trí tuệ”. Nhờ đó đến nay, chưa phát sinh các tranh chấp về SHTT ở trong nước cũng như ngoài nước. Tăng trưởng hằng năm của HTX bình quân trên 20%/năm; doanh thu các sản phẩm từ dừa đạt 2 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An, cho biết: “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp rất quan trọng đối với DN. Sản phẩm khi được bảo hộ trở thành tài sản của DN. Vị thế hàng hóa sẽ được khẳng định. Từ đó, giúp DN xây dựng thương hiệu, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra được giá trị bền vững”.
Tương tự, thương hiệu Trà Dung Cazin có mặt trên thị trường chỉ mới gần 3 năm nhưng đã sớm khẳng định được vị thế, khi doanh thu mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở Trà Dung Cazin, ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, chia sẻ: “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được công ty xác định là việc làm quan trọng đầu tiên khi lên kế hoạch đưa nhãn hiệu Cazin ra thị trường. Đăng ký bảo hộ giúp chúng tôi độc quyền khai thác lợi ích thương mại từ thương hiệu của mình trong thời hạn bảo hộ; đồng thời, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ!”.
Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các DN còn thờ ơ với việc bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra. TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, chia sẻ: Khi xảy ra tranh chấp, sản phẩm đăng ký nhãn hiệu sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu, DN nên sớm thực hiện bảo hộ: Nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích. Sở KH&CN sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ DN thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp với Cục Sở hữu trí tuệ V iệt Nam.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ