Chung tay trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ
Do áp lực trong công việc, cuộc sống và không được quan tâm phát hiện, can thiệp sớm nên số người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí và số trẻ em tự kỷ trong tỉnh ngày càng nhiều lên. Để trợ giúp về vật chất, tinh thần cho các đối tượng này, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030 để huy động hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội.
Còn nhiều khó khăn
Theo tổng hợp kết quả thực hiện việc trợ giúp dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020, đa số người tâm thần có hoàn cảnh rất khó khăn; gia đình có thu nhập thấp, không ổn định, công tác chăm sóc sức khỏe tại gia đình không được đảm bảo. Thêm vào đó, trên thực tế, sự kỳ thị vẫn còn tồn tại trong cộng đồng và ngay cả người thân trong gia đình đang gây khó khăn không nhỏ đối với công tác triển khai những hoạt động trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng.
Tương tự như vậy với trẻ tự kỷ, những rối loạn tăng động, giảm chú ý không được phát hiện sớm, coi trọng hoặc vì nhiều lý do đã bị bỏ qua khiến cho tình trạng của các em ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của các địa phương trong giai đoạn 2011 - 2020, số đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ ngày càng nhiều; trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng, quy mô nuôi dưỡng còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu. Các mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, gia đình vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai.
Có hơn chục năm làm quản lý Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, trong đó có đối tượng học sinh tự kỷ, Hiệu trưởng nhà trường Trần Gia Tín khẳng định: “Phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ tốt nhất là giáo dục cá nhân - tức là 1 cô dạy 1 trẻ thì họa may trẻ mới tiến bộ. Khi nhận trẻ, cô giáo sẽ tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ tình trạng của em đó, rồi đưa ra phương pháp giảng dạy cùng liệu pháp tâm lý phù hợp. Trẻ thích cô rồi sẽ bắt đầu gần gũi, nghe lời, làm theo, nhờ vậy dần dần tiến bộ. Để có được điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, quy chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chất lượng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học được mua sắm đầy đủ, đáp ứng yêu cầu dạy - học chuyên biệt”.
Cần sự trợ giúp bền vững
Năm 2018, tỉnh đã đầu tư nâng cấp sửa chữa và mở rộng các khu chăm sóc, nuôi dưỡng để góp phần giảm bớt sự quá tải tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Tiếp đó, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án nâng cấp, mở rộng Trung tâm; dự kiến năm 2021 sẽ tiến hành thực hiện phần xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, đồ dùng để đi vào hoạt động. Tỉnh cũng vừa đồng ý cho Trung tâm tuyển 35 lao động hợp đồng. Đây là những điều kiện thuận lợi để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng này.
Cũng với tinh thần hết sức phấn khởi, thầy và trò Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn đang hồi hộp chờ ngày trường xây dựng xong với nhiều khu chức năng đặc thù, tạo tiền đề để tiến tới nâng cấp trường thành trung tâm giáo dục khuyết tật. Thời gian qua, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, nhà trường tiến hành dạy đại trà trẻ tự kỷ (7 - 8 em/ lớp), sự tiến bộ của các em chưa được như mong muốn. “Mong đơn vị thi công đảm bảo thời gian hoàn thành công trình như cam kết để thầy và trò nhà trường sớm triển khai tốt việc dạy - học”, Hiệu trưởng Trần Gia Tín bày tỏ.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, chương trình trợ giúp xã hội người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí đặc biệt chú trọng đến việc trang bị và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người thân trong gia đình và cộng đồng. Công tác sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện, can thiệp sớm cũng sẽ được quan tâm hơn. Lần đầu tiên triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với gia đình của đối tượng; mô hình hỗ trợ gia đình có người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí khởi nghiệp và ưu tiên gia đình được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm.
“Các nội dung, giải pháp trong chương trình giai đoạn tới mang tính chất căn cơ, giải quyết khó khăn tận gốc và hướng đến sự trợ giúp bền vững cho các đối tượng. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, rất mong có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và toàn xã hội bằng những mục tiêu, chỉ tiêu hoạt động liên quan rõ ràng, cụ thể, phù hợp thực tế và có tính khả thi cao”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng kêu gọi.
Một số mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025: Hằng năm ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật và được can thiệp sớm. Ít nhất 180 hộ gia đình người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. 30% gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...
Bài, ảnh: NGỌC TÚ