Nhiều thay đổi liên quan đến Luật Cư trú 2020
Luật Cư trú sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây, sẽ tạo chuyển biến lớn về sự thuận tiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, đặc biệt là tiếp cận phù hợp với quá trình chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.
Luật Cư trú sửa đổi gồm 7 chương, 38 điều, cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, chỉ sửa đổi, bãi bỏ và làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG).
Đổi mới hình thức quản lý cư trú
Một trong những điểm mới được quan tâm nhất ở Luật Cư trú sửa đổi là quy định bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cấp giấy chuyển hộ khẩu và điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú. Thay vào đó, khi thay đổi nơi thường trú, tạm trú, người dân chỉ cần lên cơ quan CA tại địa phương điều chỉnh, cập nhật thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú và CSDLQG về dân cư. Thông tin cá nhân, hộ gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú được bảo đảm bí mật, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
Việc cấp CCCD gắn chíp hoàn thành sớm sẽ góp phần thực hiện Luật Cư trú đạt kết quả.
thượng tá Huỳnh Thị Bích Liên, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), CA tỉnh cho biết: Luật Cư trú sửa đổi đã có bước tiến lớn khi thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ. Cụ thể, quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên CSDLQG về dân cư. Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên CSDLQG về dân cư, cũng không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính, hoặc tham gia giao dịch dân sự; mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. “nhờ phương thức quản lý bằng công nghệ nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân cũng đơn giản về thủ tục và nhanh chóng hơn”- bà Liên nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật Cư trú sửa đổi cũng xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định này nhằm tạo bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp. Đồng thời, Luật bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm quản lý tốt hơn đối với nhóm người này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, giúp cơ quan nhà nước nắm được tình hình và hỗ trợ họ. Luật cũng bổ sung quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định; bổ sung các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú…
Dồn lực để thực hiện Luật thuận lợi
Thời gian qua, lực lượng CA toàn tỉnh, trong đó nòng cốt là Cảnh sát QLHC về TTXH từ tỉnh đến cơ sở đã dồn lực tiến hành thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra thông tin dân cư trên địa bàn tỉnh để đáp ứng việc xây dựng CSDLQG về dân cư. Cụ thể, hiện đã thu thập thông tin dân cư đạt tỷ lệ 99,53%, với 1.739.524 phiếu thu thập thông tin dân cư/1.747.733 nhân khẩu thường trú (số liệu thống kê đến ngày 15.4.2021). Đặc biệt, công tác thu nhận và cấp CCCD gắn chíp cũng đang được lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH toàn tỉnh triển khai khẩn trương bất kể ngày đêm. Hiện toàn tỉnh đã thu nhận được 247.472 hồ sơ CCCD (số liệu thống kê đến ngày 15.4.2021), phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu chung là đến ngày 1.7.2021 (thời điểm Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành) cấp được 50 triệu CCCD gắn chíp trên toàn quốc.
Ngày 1.7, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31.12.2022. Với trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Có thể nói, Dự án CSDLQG về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về ANTT, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. “Hiện lực lượng CA đang tận dụng tối đa nguồn nhân lực, hạ tầng, kỹ thuật để thực hiện song song cả 2 dự án. Trong đó, việc cập nhật, chỉnh sửa, làm sạch dữ liệu thông tin dân cư được duy trì thường xuyên, đảm bảo thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Song song đó, công tác cấp CCCD gắn chíp cho người dân cũng được đẩy nhanh tiến độ. Bởi đây cũng là tiền đề quan trọng cho việc triển khai Luật Cư trú 2020 được hiệu quả, đồng bộ, chính xác”, thượng tá Liên nói thêm.
Được biết, Bộ CA đang lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo 1 Nghị định và 4 Thông tư liên quan đến lĩnh vực cư trú. Như vậy, thời gian tới, khi các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về Luật Cư trú sửa đổi được ban hành, sẽ tạo thuận lợi cho người dân rất nhiều khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực này.
Bài, ảnh: KIỀU ANH