Nhận diện về các khuôn đúc, in Champa
Tại một khu phế tích tháp ở An Nhơn, người dân đã tìm tìm thấy 3 khuôn đúc, nhưng mỗi khuôn chỉ có một nửa. Khuôn thứ nhất chế tác bằng chất liệu đá phún xuất (dài 10cm, rộng 3cm), là khuôn đúc đồng kiểu 2 mang để đúc mũi tên đồng. Khuôn thứ hai chế tác bằng chất liệu đất sét chịu lửa, là loại khuôn đúc hai mang, một kỹ thuật rất phổ biến thời kỳ này. Chiếc khuôn này là một nửa mặt trước của một bức tượng một nam thần, trong tư thế một chân co một chân duỗi, hai tay thể hiện tư thế khác nhau. Khuôn thứ ba nhỏ hơn khuôn thứ hai, cũng chế tác bằng chất liệu đất sét chịu lửa, là mặt sau của một tượng tròn, bên trong thể hiện trang phục của một người nữ quấn xà rông ngắn. Căn cứ chất liệu và kỹ thuật chế tác, các khuôn này là khuôn đúc đồng dùng để đúc các loại tượng nhỏ...
Qua khai quật khu lò gốm Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), chúng tôi thấy có một chiếc bát nhỏ, men màu nâu, bên trong được chạm hoa văn hình rồng khá tinh xảo, có thể khẳng định đây là một chiếc khuôn in dùng để in hoa văn trên các loại bát nhỏ.
Tại gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), tìm thấy các mảnh khuôn in làm bằng chất liệu đất sét, mặt ngoài trơn, mặt trong chạm hoa văn hình xoắn, chính giữa là hình hoa cúc. Đây là loại khuôn in dùng để in hoa văn trên các vò, chóe sành tráng men chất lượng cao.
Những tiêu bản trên hiếm, có thể xem như độc bản khi nghiên cứu kỹ thuật trang trí hoa văn trên đồ đồng, đồ gốm của người Champa.
ĐINH BÁ HÒA