Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đã tạo chuyển biến tốt, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Thông qua việc thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả về bảo vệ, phát triển rừng và PCCC rừng cùng các chính sách của Nhà nước về khoán bảo vệ rừng, đã góp phần bảo vệ tốt tổng diện tích hơn 340 nghìn ha rừng hiện có của tỉnh. Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: “Phần lớn diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng được khoán bảo vệ, khoán khoanh nuôi tái sinh cho hộ dân, cộng đồng dân cư sống gần rừng để bà con có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống gắn với trách nhiệm giữ rừng. Nhờ vậy, độ che phủ rừng của tỉnh tăng hằng năm, từ 52,5% (năm 2016) tăng lên 56,03% (năm 2020); so với giai đoạn 2011 - 2015, số vụ vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp giảm 54,12%, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 57,31%”.
Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh kiểm tra rừng trồng của công ty.
Ông Đinh Đường, thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở thôn M2, xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh), bộc bạch: “Thôn chúng tôi thành lập tổ cộng đồng nhận khoán quản lý hơn 900 ha rừng tự nhiên. Bà con trong thôn cùng nhau giữ rừng, ai vi phạm được đưa ra cuộc họp thôn nhắc nhở, nên không còn xảy ra tình trạng xâm hại rừng”.
Cùng với chính sách khoán bảo vệ rừng, 5 năm qua, tỉnh thực hiện chi trả hơn 23,3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, chi trả tiền trồng rừng thay thế hơn 15,4 tỷ đồng. Theo ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Bình Định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng; các chủ rừng có thêm kinh phí để tăng thêm nhân lực tuần tra, quản lý rừng.
Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng hơn 574,9 nghìn lượt ha, khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng hơn 29.481 lượt ha; trồng hơn 50.600 ha rừng (hơn 48.200 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác hơn 43.178 ha rừng trồng, sản lượng đạt hơn 4,8 triệu m3, đạt 139,7% so với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.
Công tác phát triển rừng cũng được quan tâm, vài năm trở lại đây, rừng phòng hộ được trồng hỗn giao cây keo lai với cây sao đen, lim xanh để tăng khả năng phòng hộ. Nhiều chủ rừng lựa chọn xu hướng trồng rừng sản xuất bằng giống cây cấy mô, giúp nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. “Tôi trồng 4,6 ha rừng sử dụng giống keo lai cấy mô. So với trồng rừng bằng keo lai giâm hom thì sử dụng giống cấy mô chi phí gấp 2 - 3 lần, nhưng năng suất tăng cao khoảng 40 tấn/ha theo chu kỳ trồng 6 - 7 năm”, ông Nguyễn Hữu Lộc, chủ rừng ở xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), cho biết.
Việc các chủ rừng chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh trồng rừng gỗ lớn cũng tạo đà phát triển vùng nguyên liệu gỗ trong tỉnh. Đến nay, có các Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh, Sông Kôn trồng hơn 2.666 ha rừng gỗ lớn. Riêng Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC với diện tích hơn 6.964 ha rừng. Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh Phạm Bá Nghị cho biết: “Công ty được cấp chứng chỉ FSC với tổng diện tích hơn 2.780 ha rừng, góp phần tăng giá trị của gỗ khi xuất khẩu, lợi nhuận sẽ tăng thêm từ 15 - 20%, đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích KT-XH”.
Tỉnh Bình Định vừa được Bộ NN&PTNT đánh giá là một trong những địa phương có độ che phủ rừng thuộc nhóm khá tốt trong khu vực duyên hải miền Trung. Để hướng đến tiếp tục phát triển lâm nghiệp bền vững, ông Huỳnh Ngọc Bảo cho biết: Cùng với công tác tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ rừng gắn với phát triển trồng rừng gỗ lớn, rừng cấp chứng chỉ FSC. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp; chính sách ưu đãi về vốn vay cho thuê đất, bảo hiểm rừng trồng, tăng mức khoán bảo vệ rừng…
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN