GHI ÂM, GHI HÌNH CẢNH SÁT GIAO THÔNG LÀM NHIỆM VỤ:
Được phép nhưng phải đúng luật!
Người dân được phép ghi âm, ghi hình giám sát hoạt động của CSGT đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc giám sát phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ.
Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28.11.2019 (có hiệu lực từ ngày 15.1.2020) của Bộ CA về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT (gọi tắt là Thông tư 67) quy định, người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình CSGT nhưng phải bảo đảm các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT và tuân thủ các quy định pháp luật khác. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Khu vực này phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Công dân có quyền ghi âm, ghi hình để giám sát lực lượng CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ, song phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư 67 còn quy định thêm các hình thức giám sát khác của người dân với CSGT gồm: Thông qua thông tin công khai của CA nhân dân và phản hồi qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các sự việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Tuy vậy, một số trường hợp lại lạm dụng quy định này làm ảnh hưởng đến hoạt động của CSGT trong khi thực thi nhiệm vụ. Điển hình, mới đây trong quá trình tuần tra, CSGT phát hiện tài xế N.V.Tr (SN 1986, Hưng Yên) điều khiển ô tô tải lưu thông trên tuyến QL 19 (đoạn qua phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) đã vi phạm tốc độ 57/50 km/giờ, nên tiến hành dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì chấp hành, tài xế này lại yêu cầu được xem trực tiếp hình ảnh vi phạm của mình, xem lệnh kiểm tra giao thông của lực lượng. Dù đã được giải thích, sẽ được xem hình ảnh sau khi về trụ sở cơ quan làm việc, nhưng tài xế này vẫn không đồng ý và sử dụng điện thoại di động quay video, phát trên mạng xã hội, đồng thời có những lời lẽ lăng mạ lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Mặc dù sau đó, tài xế Tr. đã hiểu và thừa nhận hành vi sai trái của mình, đồng thời xin lỗi lực lượng CA, nhưng việc này đã ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm giao thông trên tuyến.
Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT, CA tỉnh, cho biết, luật không cấm người dân ghi âm, ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ, ngược lại rất hoan nghênh, nhưng trong quá trình ghi âm, ghi hình công dân không được gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng CSGT đang thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, trong những khu vực có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, người dân ghi âm, ghi hình sẽ phải giữ khoảng cách nhất định. Trường hợp các tổ tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT đang phối hợp với CA truy bắt tội phạm thì người dân cũng cần tránh việc ghi âm, ghi hình, thậm chí livestream gây cản trở đến hoạt động phòng chống tội phạm của lực lượng. Người dân ghi âm, ghi hình giám sát cũng phải phù hợp để đảm bảo an toàn cho mình cũng như lực lượng thực thi công vụ. “Người dân không cầm máy quay, điện thoại gí sát vào mặt, vào người CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT. Trong trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng”, thượng tá Hoài lưu ý.
Có thể nói, việc người dân ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT khi đang làm nhiệm vụ sẽ giúp phòng ngừa tiêu cực, nâng cao ý thức người thực thi pháp luật, tăng quyền giám sát của công dân. Song việc giám sát của công dân qua ghi âm, ghi hình vẫn phải đảm bảo chuẩn mực văn hóa trên cơ sở tôn trọng lực lượng chức năng.
Bài, ảnh: KIỀU ANH