Quyết tâm giành thắng lợi vụ Hè Thu
Chủ trì Hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020 - 2021 (lĩnh vực trồng trọt) và triển khai kế hoạch vụ Hè Thu năm 2021 vào ngày 23.4 tại TP Quy Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương phát huy thắng lợi trong vụ Đông Xuân, chủ động các biện pháp, quyết tâm giành thắng lợi vụ Hè Thu.
Sẻ chia kinh nghiệm
Toàn tỉnh ta đi vào vụ sản xuất Đông Xuân trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp, dịch bệnh Covid-19 gây nhiều lo lắng trong nhân dân. Để động viên nhân dân, lãnh đạo tỉnh ta từ Đảng đến chính quyền các cấp, các ngành thường xuyên gắn bó với thực tế cơ sở, đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo kịp thời, chính xác, góp phần ổn định sản xuất. Đầu vụ có nhiều ngày mưa lớn, ngành Nông nghiệp tỉnh linh động cho lùi thời gian gieo sạ, không để xảy ra tình trạng mất giống; phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn nông dân xuống giống, chăm sóc. Khi phát hiện sâu bệnh phát sinh, cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã đều bám sát ruộng đồng cùng với nông dân khoanh vùng, diệt trừ sâu bệnh.
Vẫn tiếp tục chọn cây lúa là cây trồng chủ lực, nhưng huyện Tuy Phước đầu tư phát triển theo hướng sản xuất lúa giống tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay: Tuy Phước đã quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân tích cực thâm canh, quản lý dịch hại. Nhờ vậy, đồng lúa ở huyện Tuy Phước luôn đạt năng suất cao. Riêng vụ Đông Xuân, năng suất lúa bình quân đạt gần 80 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 7 HTX phối hợp với các DN thực hiện 7 dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa giống diện tích 746 ha, sản phẩm làm ra được DN mua với giá cao, nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân… áp dụng rộng rãi trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, nhờ đó đã nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương chia sẻ: Ngoài 7.048 ha lúa đạt năng suất cao, chúng tôi còn hướng dẫn nông dân chuyển 1.100 ha từ chuyên trồng mì sang sản xuất đậu phụng xen mì, với cách xen canh này nông dân đạt mức thu nhập 156 triệu đồng/ha, tăng gấp 3 lần so với trước. Phù Cát cũng linh hoạt chuyển gần 1.000 ha đất màu, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng và đạt mức thu nhập 162 triệu đồng/ha.
Theo Sở NN&PTNT, vụ Đông Xuân toàn tỉnh sản xuất 47.770 ha lúa, trong đó có 147 cánh đồng mẫu lớn, 38 cánh đồng tiên tiến sản xuất lúa và đậu phụng với trên 7.179 ha. Ngoài ra, TX An Nhơn và huyện Tuy Phước còn thực hiện được 8 dự án cánh đồng lớn/ gần 1.000 ha sản xuất lúa gắn với liên kết chuỗi. Năng suất lúa bình quân đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Nông dân cũng đã chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng bắp, đậu phụng, mè... Nhiều diện tích lúa không chủ động được nước tưới, linh hoạt áp dụng các phương thức xen canh, thâm canh nâng cao giá trị canh tác trên cùng một đơn vị diện tích. Toàn tỉnh cũng đã sản xuất 2.186 ha bắp, 7.903 ha đậu phụng; 5.692 ha rau đậu các loại, năng suất bắp tăng 2 tạ/ha; đậu phụng tăng 1,6 tạ/ha và rau dưa các loại tăng 12 tạ/ha.
TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, năng suất lúa mà các địa phương cung cấp để Sở NN&PTNT tổng hợp báo cáo tại Hội nghị chưa phản ánh hết thực tế do thống kê chưa đầy đủ, bởi hầu hết năng suất lúa của các huyện, thị xã, thành phố đều rất cao. Riêng tại Tuy Phước, TX An Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn năng suất lúa trên 75 tạ/ha, thậm chí một số vùng lên đến 90 tạ/ ha. Vụ Đông Xuân cũng ghi nhận diện tích đậu phụng nhiều nhất từ trước đến nay, năng suất cao nhất vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Duy trì mạch thắng lợi trong vụ Hè Thu
Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 41.803 ha lúa, phấn đấu đạt năng suất 65 tạ/ha; 3.584 ha bắp, 1.779 ha đậu phụng; 2.513 ha mè; 5.166 ha rau đậu các loại… Theo lãnh đạo một số địa phương, việc thực hiện thành công mục tiêu trên là không đơn giản, bởi nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng trong các đợt mưa lũ cuối năm 2020 đến nay vẫn chưa khắc phục xong, chưa sẵn sàng phục vụ sản xuất. Nguồn nước tưới tại các địa phương vẫn chưa đảm bảo, nhất là khu vực phía Bắc tỉnh, trong khi đó thời tiết nắng nóng dự báo sẽ kéo dài từ đầu cho đến cuối vụ, nguy cơ hạn hán gây thiệt hại cho sản xuất rất cao.
Ngoài ra, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng. Đáng lo ngại nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu đục thân 2 chấm sẽ nở rộ gây hại lúa. Ngoài ra, nguy cơ chuột và các loại sâu bệnh: Sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, bọ trĩ … phát sinh, gây hại cả lúa và cây trồng cạn cũng rất cao. Giá nông sản không ổn định cũng tác động không ít đến tâm lý của nông dân, khiến việc đầu tư phát triển sản xuất bị ảnh hưởng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá cao sự nỗ lực ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương trong chỉ đạo điều hành sản xuất đã đảm bảo thắng lợi trên lĩnh vực trồng trọt vụ Đông Xuân. Về kế hoạch và nhiệm vụ vụ Hè Thu, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu ngành chức năng và các địa phương phải chủ động xây dựng và thực hiện lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình kỹ thuật, đảm bảo cây trồng phát huy tiềm năng về năng suất. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ở những vùng không chủ động được nước tưới; nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, xây dựng các cánh đồng sản xuất tập trung gắn với liên kết chuỗi, có sự tham gia của DN, tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản với mức giá tốt.
“Cần phải tập trung giải quyết bài toán về quy hoạch vùng sản xuất, chuyển giao kỹ thuật từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm trong vụ Hè Thu. Những vấn đề này không thể để nông dân đơn độc, loay hoay tự làm được, mà phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; ngay từ bây giờ phải chủ động các tổ hợp phương án nhằm hạn chế rủi ro, tiết chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do biến đổi thời tiết; các cấp, các ngành đặc biệt là cơ quan khuyến nông tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận các tiến bộ KHKT, nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, qua đó tạo nền tảng nâng cao chất lượng đời sống của nông dân”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo.
PHẠM TIẾN SỸ