ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ NGUỒN LỢI THỦY SẢN Ở VÙNG VEN BỜ, VÙNG LỘNG CỦA TỈNH:
Định hướng sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá
Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, cuối năm 2020, UBND tỉnh đã cho chủ trương để Sở NN&PTNT triển khai Dự án Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng của tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT giao Chi cục Thủy sản xây dựng đề cương để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện dự án nói trên. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản trao đổi với phóng viên Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.
Đây là lần đầu tiên tỉnh ta tiến hành điều tra nguồn lợi thủy sản (NLTS) vùng bờ, vùng lộng theo phân cấp quản lý. Vậy lâu nay các số liệu về NLTS được tỉnh ta sử dụng nguồn từ đâu, thưa ông?
- Đúng vậy! Đây là lần đầu tiên Bình Định cũng như các tỉnh, thành khác tiến hành điều tra, đánh giá NLTS vùng ven bờ, vùng lộng theo Luật Thủy sản năm 2017. Lâu nay không chỉ Bình Định mà cả nước đều sử dụng các số liệu đánh giá trữ lượng thủy sản tại vùng khơi, vùng lộng, vùng ven bờ từ các số liệu mang tính tham khảo của các nhà khoa học nghiên cứu từ cách đây 30 - 40 năm. Nghề cá Việt Nam lâu nay còn mang tính “nghề cá nhân dân” (người dân tự phát là chính) và trước đây chúng ta khuyến khích ngư dân phát triển tàu thuyền khai thác thủy sản (KTTS) để làm kinh tế mà chưa tính toán đến quản lý về trữ lượng thủy sản. Luật Thủy sản năm 2017 đã thay đổi toàn diện về quản lý nghề cá theo hạn ngạch, tiến tới phát triển nghề cá hiện đại, bền vững; nhưng để có hạn ngạch thì phải điều tra, đánh giá số liệu cụ thể về trữ lượng thủy sản để định hướng phát triển ngành Thủy sản.
Theo ông việc điều tra đánh giá chính xác NLTS ở vùng ven bờ, vùng lộng sẽ có ích lợi gì?
- Chắc chắn sẽ giúp tăng hiệu quả trong công tác quản lý nghề cá, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân. Như tôi đã nói, muốn tiến từ “nghề cá nhân dân” sang nghề cá hiện đại thì cần phải đánh giá được hiện trạng quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển NLTS bằng những số liệu cụ thể mang tính khoa học để quản lý theo hạn ngạch, nhằm tăng tính bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Luật Thủy sản năm 2017 quy định cụ thể việc điều tra, đánh giá tổng thể NLTS và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm/lần, nhằm mục đích cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng NLTS bền vững; xác định trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác, đánh giá sự biến động của NLTS, chất lượng môi trường sống của loài thủy sản.
Là cơ quan được giao chủ trì thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá NLTS ở vùng ven bờ, vùng lộng của tỉnh theo chủ trương của UBND tỉnh, đến nay, chúng tôi đã xây dựng xong nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện dự án để trình Sở NN&PTNT xem xét và trình UBND tỉnh phê duyệt cho thực hiện với thời gian dự kiến triển khai từ tháng 6.2021 - 6.2023, dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 4,6 tỷ đồng. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự án, bước tiếp theo là lập hồ sơ ban đầu và tổ chức đấu thầu công khai để chọn đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ.
Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn?
- Nhiệm vụ chính của Dự án nói trên tập trung vào điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và NLTS ở vùng biển ven bờ, vùng lộng của tỉnh; hiện trạng nguồn giống, bãi đẻ, bãi giống các loài thủy sản, hoạt động KTTS; đánh giá mức độ xâm hại nguồn lợi, tác động đến hệ sinh thái của hoạt động KTTS. Từ đó, đề xuất giải pháp, phương án cấp hạn ngạch cho vùng biển ven bờ, vùng lộng, công tác bảo vệ NLTS và quản lý nghề cá của tỉnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phân bố của các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, các loài thường gặp, các loài nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ.
Việc điều tra sẽ được tiến hành với các bước, như: Tiếp cận chung, sử dụng tàu khảo sát độc lập kết hợp với dữ liệu thu thập từ hoạt động nghề cá; tiếp cận kế thừa các tài liệu đã có, thu thập dữ liệu đầu vào để phân tích, đối chiếu xu hướng biến động NLTS, hoạt động KTTS; tiếp cận theo phương pháp khoa học để phân tích, đánh giá đa dạng sinh học, NLTS, hoạt động KTTS theo bộ chỉ số chuẩn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS kết hợp với điều tra thực địa để lập bản đồ phân vùng của các loài thủy sản bằng thiết bị, phần mềm chuyên dụng…
Xin cảm ơn ông!
Vùng biển ven bờ, vùng lộng tỉnh Bình Định là nơi có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, như cá mó, cá hồng, cá mú, tôm hùm, mực nang, bạch tuộc, ốc hương và nhiều loài thủy sản di cư theo mùa, có tiềm năng lớn phát triển kinh tế thủy sản. Song, NLTS đang suy giảm về số lượng và chất lượng; năng suất KTTS trên một đơn vị cường lực giảm, nhiều loài thủy sản bị khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ khó phục hồi, đa dạng loài giảm rõ rệt. Do đó, việc điều tra, đánh giá NLTS vùng ven bờ, vùng lộng là hết sức cần thiết để định hướng bảo vệ, tái tạo NLTS, cơ cấu lại nghề cá. Nguồn: Kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT)
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)