Phạm Thành Trai & những vần thơ quê hương
Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành tập thơ “Xin kiếp nữa để yêu người”. Đây là tập thơ thứ 4 của Phạm Thành Trai - một nhà báo, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến.
Năm 1963, chàng thanh niên Phạm Thành Trai quyết định “nhảy núi” tham gia cách mạng, trở thành phóng viên Báo Quyết Thắng, rồi làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên TX Quy Nhơn. Sau năm 1975, anh được phân công làm Phó Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin TX Quy Nhơn. Năm 1992, Phạm Thành Trai có thơ được chọn in trong tập Có một miền thơ, sau đó là tuyển tập Thơ Bình Định (1975 - 1995). Năm 1999, truyện, ký của anh được chọn in trong tập Truyện ký Bình Định; sau đó lại có thơ in trong tuyển tập Thơ Bình Định thế kỷ XX…
Phạm Thành Trai là người khá trầm lắng, nhất là trong thơ. Có lẽ vì vậy nên mãi đến năm 2004, anh mới trình làng tập thơ đầu tay Thao thiết một dòng sông (NXB Đà Nẵng). Tám năm sau (2012), anh in tập thơ thứ 2 - Đất quê (NXB Hội Nhà văn) và tiếp đó là tập Tím một sắc hoa (NXB Hội Nhà văn - 2017)…
Nhà báo, nhà thơ Phạm Thành Trai sinh năm 1944; quê quán: Xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội VH&NT Bình Định. Các tác phẩm chính: “Thao thiết một dòng sông” (NXB Đà Nẵng - 2004); “Đất quê” (NXB Hội Nhà văn - 2012); “Tím một sắc hoa” (NXB Hội Nhà văn - 2017); “Xin kiếp nữa để yêu người” (NXB Hội Nhà văn - 2021).
Là một người cầm bút trưởng thành trong kháng chiến, thơ của Phạm Thành Trai thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và nghĩa tình đối với đồng chí, đồng đội. Anh có khá nhiều bài thơ, câu thơ viết về Tổ quốc, quê hương khá đằm: “Đất nước này còn nhiều lắm hy sinh/Còn nhiều lắm những nỗi đau quặn thắt/nhiều người mẹ đã nhiều năm vẫn thắp/Vọng hồn con dù bia vắng hàng tên/Tạc bia lòng ngắm ánh sáng bay lên/Nghe bát ngát bầu trời sao Tổ quốc” (Viếng nghĩa trang Trường Sơn). Hay: “Sắc quê khúc hát lên tàu/Rộn nghe tiếng máy xanh màu sông quê/Đã gieo xuống một lời thề/Thành keo sơn gắn bốn bề nước non” (Sắc quê).
Đồng thời, đối với Phạm Thành Trai, miền Trung cũng là quê hương lớn: “Miền Trung ơi! Tên gọi của kiên trung/ Là khúc ruột đau nỗi đau chia cắt/Máu đổi xương tan đỉnh cao chất ngất/Để nước nhà thống nhất trọn niềm vui/… Khúc ruột ơi! Từ xưa mãi tới giờ/Điệu lý thương nhau ngàn đời không tắt/Gian khổ bền lòng nối dài đất nước/Giữ biển trời tươi thắm đến muôn sau” (Miền Trung ơi)…
Ở tập thơ thứ 4 của mình - Xin kiếp nữa để yêu người - Phạm Thành Trai vẫn giữ nguyên giọng thơ giản dị, mộc mạc, sâu lắng, với những vần thơ về tình yêu quê hương, đất nước và tấm lòng đối với đồng chí, đồng đội… Tình yêu quê hương đối với Phạm Thành Trai đôi khi là vần thơ về những địa danh cụ thể của Bình Định, như: Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Phù Mỹ… Chẳng hạn như bài thơ viết về Quy Nhơn: “Là thành phố của đất võ trời văn/Là phố biển đã lưu hình bóng Bác/Trên dặm dài Người tìm đường cứu nước/Cho bây giờ náo nức những tầng cao” (Quy Nhơn ơi! Mùa xuân lại về). Hay như những câu thơ viết về quê hương xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ: “Về thăm quê như một chuyến du xuân/Yêu xứ sở từng góc sân hoa nở/Thương quê nhà vượt qua thời gian khó/ Dựng xây đời bằng sức nước ngàn năm” (Mỹ Hiệp một góc trời quê).
Phạm Thành Trai tâm sự: Mình chọn tên một bài thơ làm tên của cả tập thơ vì trải qua gần 80 năm cuộc đời mình thấy mình còn mắc nợ cuộc đời quá nhiều. Vì vậy, anh rất mong xin được sống thêm kiếp nữa để “trả nợ cuộc đời”, đền đáp công ơn của mẹ, của vợ con, của đồng chí, đồng đội… Bài thơ có những câu thật ý nghĩa: “Không ở đâu như đất nước Việt Nam/ Những bóng vọng phu tràn đầy trên trang sử/ Chưa hóa đá như tích xưa, chuyện cũ/Mà lặng thầm trong cuộc sống gian truân”… Mà thật ở ngưỡng tuổi 80, anh có chùm thơ “Sơ kết cuộc đời U80” hóm hỉnh: “50: Đảng, 80: đời/Vẫn không phai nghĩa cõi người 100 năm/Dù đi vào chốn xa xăm/Vẫn khôn nguôi chỗ mẹ nằm ru con/Nghĩa người là nghĩa nước non”…
VIẾT HIỀN