Tăng cường kiểm soát ATGT đường thủy nội địa
Dịp này, lượng du khách đến các điểm du lịch biển, đảo như Kỳ Co, Hòn Khô, Cù Lao Xanh (TP Quy Nhơn) tăng mạnh, nhất là vào cuối tuần. Ðể đảm bảo ATGT đường thủy, Phòng CSGT (CA tỉnh) đã và đang tăng cường tuyên truyền kết hợp kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những vi phạm của chủ phương tiện và người lái tàu chở khách trên các tuyến đường thủy nội địa.
Nhiều chuyển biến
Bất cứ tàu chở khách du lịch nào, nếu còn hành khách chưa mặc áo phao thì chưa được phép xuất bến. Đó là quy định đặt ra cho những tàu chở khách du lịch tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Có mặt tại cảng cá Nhơn Lý gần 1 giờ, chúng tôi ghi nhận lượng khách đi du lịch các điểm Kỳ Co, Hòn Khô, Hòn Sẹo tập trung tại đây để lên tàu khá đông và không ai không mặc áo phao. Anh Nguyễn Trung Quân, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Mặc dù lượng khách đi tàu khá đông và cũng có nhiều tàu mang nhiều tên khác nhau, nhưng tôi thấy không hề có sự tranh giành lộn xộn, mọi thứ diễn ra khá tuần tự, các nhân viên rất chuyên nghiệp trong hướng dẫn khách các thao tác mặc áo phao. Họ còn dẫn từng người già, trẻ em lên tàu an toàn nên chúng tôi thấy khá an tâm”.
Tăng cường kiểm soát khu vực bến bãi là một trong những giải pháp hiệu quả để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Thực tế cho thấy, tuy cơ sở hạ tầng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như chưa lắp đặt hệ thống phao tiêu, biển báo, đèn tín hiệu theo quy định… song ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của mọi người, nhất là các chủ tàu, người lái tàu đã có chuyển biến tích cực. Các phương tiện thủy được mua mới, đóng mới đều có đầy đủ giấy đăng ký, đăng kiểm; nhiều chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa đã đăng ký học và được cấp bằng thuyền trưởng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Anh Nguyễn Xuân Hạnh, một lái tàu du lịch tại thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, cho biết: “Khi chở khách đi tham quan các đảo, chúng tôi đều tuân thủ quy định chở đúng số khách đã đăng ký và yêu cầu khách mặc áo phao đầy đủ. Và để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tôi không chỉ đầu tư nâng cấp tàu mà còn đi học lấy chứng chỉ chuyên môn. Hiện tôi đã có chứng chỉ hạng 3 và đang đi học để lấy thêm chứng chỉ”.
Được biết, cuộc vận động xây dựng “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do UBND tỉnh phát động đã và đang góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của tất cả mọi người. Hiện toàn tỉnh có 955 người đã có chứng chỉ điều khiển phương tiện đường thủy nội địa; trong đó, 569 người có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện hạng 1, gần 400 người có chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng 3.
Chủ động kiểm tra, xử lý
Không để xảy ra tai nạn đường thủy luôn là mục tiêu quan trọng mà ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đặt ra hàng năm, nhất là trong mùa cao điểm du lịch hè này. Vậy nên, yêu cầu đầu tiên để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, đó là người điều khiển phương tiện thủy phải có chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định, trang thiết bị phải đảm bảo an toàn và phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm. Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT, CA tỉnh, cho biết: “Hiện nay, lỗi sai chủ yếu của các chủ tàu và lái tàu du lịch là hoạt động sai vùng và thiếu chứng chỉ chuyên môn lái tàu cao tốc, thợ máy và thủy thủ. Để chấn chỉnh, cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi xử lý nghiêm những vi phạm luật giao thông đường thủy nội địa để các chủ tàu, người lái tàu tuân thủ quy định, hạn chế mọi rủi ro”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CA tỉnh, Phòng CSGT, CA tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động giao thông đường thủy nội địa trong mùa du lịch biển. Trong đó, tăng cường công tác tuần tra dọc các bến, bãi, luồng tuyến thủy nội địa phục vụ phát triển KT-XH, dân sinh; tập trung tại bến đò Hàm Tử - Hải Minh; khu vực Cảng Quy Nhơn và luồng hàng hải Quy Nhơn; địa bàn du lịch biển Kỳ Co; Hòn Khô; khu du lịch Hầm Hô; khu vực cảng cá Đề Gi; Tam Quan... Đối tượng tập trung kiểm tra nghiêm là các phương tiện đò ngang, chở khách sang sông, chở khách du lịch, các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động, phương tiện khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động kinh doanh (nhà hàng nổi, bè...) với các hành vi vi phạm như thuyền viên, người lái phương tiện không có chứng chỉ, không chấp hành các quy định về an toàn vận tải của người tham gia giao thông đường thủy; vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản; vi phạm về cảng, bến, quy định về vận tải, hàng hóa. “Chúng tôi sẽ tăng cường nhắc nhở các tổ chức, cá nhân vận chuyển hành khách phải luôn chú ý đến điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, vận chuyển đúng số khách như đã đăng ký và kiên quyết đình chỉ hoạt động của các phương tiện không đăng kiểm, đăng ký theo quy định”, thiếu tá Tuấn cho biết thêm.
Dịp lễ 30.4 và 1.5, dự kiến lượng khách du lịch đến Bình Định tiếp tục tăng cao. Do đó, việc lực lượng cảnh sát đường thủy tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn cho du khách sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn.
Bài, ảnh: KIỀU ANH