Nhiều bệnh truyền nhiễm vào mùa cao điểm: Ðừng mất cảnh giác !
Bên cạnh dịch Covid-19, thời điểm này đến tháng 8 là cao điểm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não, viêm não vi rút…
Nhiều ca biến chứng nặng
Hiện, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue, viêm màng não xuất hiện nhiều. Bộ Y tế cũng cảnh báo một số tỉnh, thành đang gia tăng bệnh viêm màng não, viêm não vi rút. Tại Bình Định, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho hay, đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút nặng. Điển hình là bệnh nhân L.T.B.M (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) nhập viện ngày 3.4, với khởi bệnh sốt nhẹ, ho, mệt mỏi ăn uống kém, li bì, hôn mê sâu, thở yếu, rối loạn nhịp thở. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não cấp, được điều trị đặt nội khí quản, thở máy, chống phù não, nuôi dưỡng và chăm sóc tích cực. Sau 20 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã tỉnh, tay chân vận động khá hơn.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại khoa Nhi (BVĐK tỉnh).
Đáng chú ý, tình trạng bệnh nặng ở các bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng. Nhiều ca bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn sốc, nặng, suy tạng nặng… Đặc biệt, khoa Nhi tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân tay chân miệng có biến chứng nặng, tổn thương thần kinh nặng, tim mạch như tay chân miệng độ 2b, độ 3, độ 4. “Nguyên nhân chủ yếu là do chủng Enterovius 71 (EV71), đây là chủng vi rút gây biến chứng nặng ở bệnh tay chân miệng”, bác sĩ Dũng lý giải.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bùi Ngọc Lân cho biết: Đến ngày 24.4, toàn tỉnh đã ghi nhận 239 trường hợp bệnh tay chân miệng, trong đó một số trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng và xuất hiện một số ổ dịch tại trường mầm non. Điểm khác biệt của bệnh tay chân miệng năm nay là tác nhân gây bệnh chủ yếu tuýp vi rút EV71 - tuýp vi rút gây bệnh nặng và khả năng lây lan cao.
Phải theo dõi chặt chẽ
Theo Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu, đến ngày 22.4, thành phố ghi nhận 139 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 19/21 phường, xã và 4 ổ dịch; 33 trường hợp mắc tay chân miệng phân bố trên 13/21 phường, xã. Trung tâm tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng khi phát hiện ca bệnh; trạm y tế phối hợp tích cực với trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn để thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, loại trừ các ổ chứa lăng quăng, diệt muỗi, đề phòng muỗi đốt, thực hiện “3 sạch” (ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay, đồ chơi sạch) để phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền cho các thầy cô giáo và y tế học đường khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh cho cách ly, điều trị và tiến hành khử khuẩn bằng cloramin B để tránh lây lan cho trẻ khác.
Giám sát ổ dịch tay chân miệng tại Trường mầm non ở Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn).
Theo bác sĩ Bùi Ngọc Lân, không nên chủ quan với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tùy theo đặc điểm, đường lây truyền của mỗi bệnh truyền nhiễm để áp dụng biện pháp phòng bệnh phù hợp. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là cách ly kịp thời trường hợp bệnh để khống chế tác nhân gây bệnh phát tán ra bên ngoài; điều trị triệt để bệnh để tiêu diệt mầm bệnh; cắt đứt đường lây truyền của bệnh (như ăn uống hợp vệ sinh, rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng, sử dụng nước sạch, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh...); bảo vệ khối cảm nhiễm (tiêm chủng vắc xin, không tiếp xúc với người bị bệnh, nâng cao sức đề kháng...).
“Người dân cần tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Đặc biệt, cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh một cách hiệu quả đối với những bệnh đã có vắc xin. Hiện, các bệnh viêm màng não như: Viêm màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenza tuýp B), viêm màng não do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), viêm màng não mô cầu (Neisseria meningitides) đều đã có vắc xin phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, để phòng, chống bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả, bên cạnh các biện pháp chuyên môn thì cộng đồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của người dân”, ông Lân nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MAI HOÀNG