Xã hội hóa công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn: Còn nhiều khó khăn
Từ năm 2016, tỉnh chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, khuyến khích các DN tham gia đầu tư, khai thác, quản lý và kinh doanh các công trình, dịch vụ cấp nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 36/2018 quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước tập trung (CNTT) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các DN đầu tư xây dựng công trình CNTT ở những xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và xã đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách hỗ trợ 90% chi phí xây dựng và thiết bị, trong đó 45% giá trị DN sẽ được nhận sau khi nghiệm thu, quyết toán hoàn thành đưa công trình vào sử dụng, 45% giá trị còn lại sẽ nhận trong thời gian 5 năm. DN đầu tư xây dựng các công trình CNTT tại địa phương không thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được tỉnh hỗ trợ chi phí xây dựng, thiết bị nhưng với mức thấp hơn. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh và lập danh mục đầu tư các công trình CNTT kêu gọi đầu tư.
Hiện nhiều hộ dân ở thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ đang phải mua nước sạch về sử dụng.
Tuy nhiên đến nay, không có DN nào tham gia đầu tư xây dựng công trình CNTT ở khu vực nông thôn. Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, trước đây có một số DN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng mới công trình CNTT và đầu tư nâng cấp, quản lý, vận hành các công trình CNTT đã xây dựng tại các xã: Mỹ Đức, Mỹ Thành, Mỹ Tài, Mỹ Châu, nhưng sau khi huyện cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh họ đều đã lắc đầu. DN chỉ muốn tỉnh hỗ trợ chi phí đầu tư một lần trong quá trình thực hiện công trình, dự án, chứ không muốn sau 5 năm mới nhận hết số tiền hỗ trợ.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giá nước thấp, lượng nước sử dụng ít đã và đang là lực cản trong thu hút đầu tư xây dựng các công trình CNTT ở khu vực nông thôn. Ông Chương phân tích: “Giá nước sạch ở khu vực nông thôn theo quy định tại Quyết định số 11/2019 của UBND tỉnh mang tính hỗ trợ là chính và tầm 3 - 5 năm tỉnh ta mới điều chỉnh lại giá, không hấp dẫn nhà đầu tư. Hơn nữa, phần lớn người dân ở khu vực nông thôn chỉ sử dụng nước sạch để ăn, uống, nên lượng nước tiêu thụ hàng tháng là rất ít. Việc thu tiền nước của người dân ở khu vực nông thôn cũng không dễ như ở đô thị. Giá nước thấp, lượng nước tiêu thụ ít, DN lo sợ bị thua lỗ, nên không dám đầu tư xây dựng công trình CNTT ở khu vực nông thôn”.
Việc thu hút DN đầu tư nâng cấp các công trình CNTT đã xây dựng ở khu vực nông thôn cũng không thành công. Ông Trần Vũ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Phần lớn các công trình CNTT đã xây dựng do UBND xã và HTX quản lý đều bị hư hỏng nặng, không phát huy công suất như thiết kế. Chi phí đầu tư nâng cấp có khi lại cao hơn cả xây dựng mới, nên DN họ không tham gia.
Cấp nước sạch ở khu vực nông thôn vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vừa đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vì vậy không thể không tiếp tục đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các công trình CNTT đã xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã chỉ đạo: Các sở, ngành của tỉnh kiểm tra, rà soát lại cơ chế chính sách thu hút đầu tư trên lĩnh vực cấp nước sạch ở khu vực nông thôn, tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư xây dựng công trình CNTT ở khu vực nông thôn. Tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục trích ngân sách, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình CNTT ở những vùng lâu nay bị thiếu nước nghiêm trọng và tại những xã nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Các địa phương cũng phải thay đổi mô hình quản lý các nhà máy cấp nước theo hướng chuyên nghiệp và tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống dẫn nước các công trình CNTT đã xây dựng đến các khu dân cư để cấp nước sạch cho người dân.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ