Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4): Hướng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa
DN nhỏ và vừa đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, nhiều DN chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2021, phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường về những nội dung liên quan.
● Ông có thể cho biết rõ hơn về chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, thưa ông?
- Chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm 2021 là “DN nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường” nhằm tôn vinh vai trò quan trọng của DN nhỏ và vừa trong việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, khuyến khích các DN này mạnh dạn biến ý tưởng thành tài sản trí tuệ, đưa tài sản trí tuệ ra thị trường, tạo ra lợi nhuận và những giá trị KT-XH.
● Ý tưởng là tài sản trí tuệ quý giá của DN. Sở KH &CN đã làm những gì để hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa bảo vệ ý tưởng, bảo vệ quyền SHTT?
- Thời gian qua, Sở KH&CN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn cho cán bộ kỹ thuật tại các DN về việc bảo vệ ý tưởng, nhãn hiệu của mình; đồng thời, hỗ trợ DN xác lập, khai thác quyền sở hữu công nghiệp. Từ các cuộc thi về sáng tạo kỹ thuật trong tỉnh, Sở hướng dẫn các tác giả hoàn thiện sản phẩm để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Công ty TNHH Sachi Nguyễn rất quan tâm và làm tốt việc bảo hộ sản phẩm, thương hiệu. Ảnh: HỒNG HÀ
Ngoài ra, Sở tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch… để thúc đẩy hoạt động SHTT. Thanh tra Sở tiếp nhận và xử lý các hành vi xâm phạm đối với những nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ nhằm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân.
Sở còn phối hợp các sở, ban, ngành triển khai công tác SHTT, nhất là quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của tỉnh. Đến nay, đã có 41 sản phẩm đặc trưng của tỉnh được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh tăng theo từng năm (năm 2019 tăng 21% so với năm 2018, năm 2020 tăng 23% so với năm 2019).
Đặc biệt, Sở vừa đưa vào hoạt động trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp - IPPlatform. Hy vọng sự ra đời của trạm sẽ góp phần tích cực cho công tác hỗ trợ, khai thác thông tin về SHTT, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, các DN chú trọng hơn tới việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Một số DN nhỏ và vừa đi đầu trong việc bảo hộ sản phẩm, thương hiệu của mình như: HTXNN Ngọc An, Công ty TNHH Sachi Nguyễn... Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định thuộc Sở KH&CN đã xây dựng thành công “Hệ thống quản trị tài sản trí tuệ”, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiến hành hỗ trợ cho các DN xây dựng hệ thống này.
● Thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ các DN thờ ơ với việc bảo hộ quyền SHTT. Đâu là nguyên nhân và Sở KH&CN sẽ làm gì để nâng cao công tác SHTT thời gian tới, thưa ông?
- Mặc dù hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dẫu vậy, so với mặt bằng chung cả nước và yêu cầu hiện nay thì những kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh. Một phần do năng lực của cán bộ làm công tác về SHTT tại DN và các cơ quan quản lý chưa được nâng cao; các DN sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế; các cá nhân chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra.
Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền có chiều sâu, trọng điểm về vai trò của SHTT cho từng đối tượng cụ thể; triển khai tốt công tác tư vấn, hướng dẫn cũng như tuyên truyền rộng rãi đến người dân chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN. Đồng thời, chúng tôi sẽ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực về SHTT tại Sở, nhằm khai thác có hiệu quả Trạm IPPlatform cũng như hướng đến hình thành tổ chức trung gian hỗ trợ cho thị trường KH&CN của tỉnh.
● Xin cảm ơn ông!
HỒNG HÀ (Thực hiện)