Chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy trong mùa nắng nóng
Vào mùa nắng nóng, hanh khô, nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ rất lớn nếu cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân, DN chủ quan, lơ là trong công tác PCCC. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc CA tỉnh về vấn đề này.
Đại tá Nguyễn Văn Long
Ông có thể cho biết về tình hình cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?
- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 23 vụ cháy, nổ lớn, nhỏ. Trong đó, vụ cháy lớn nhất xảy ra tại xưởng sản xuất thuộc Công ty CP Năng lượng Vân Canh, địa chỉ ở xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) vào ngày 28.3. Theo báo cáo của cơ sở, thiệt hại của vụ cháy ước tính khoảng 40 tỷ đồng.
Ngay sau khi có thông tin báo các vụ cháy, nổ xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã nhanh chóng xuất hơn 64 lượt xe chữa cháy với gần 429 lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đến hiện trường tổ chức chữa cháy kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do cháy, nổ xảy ra, góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Qua điều tra, nguyên nhân của các vụ cháy, nổ chủ yếu là do sự cố thiết bị điện (chiếm đến gần 60% số vụ cháy), còn lại là do sơ suất trong việc sử dụng lửa, nguồn nhiệt và sự cố kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Hiện nay, tỉnh ta đang bắt đầu vào mùa nắng nóng, hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao. Vậy đơn vị đã chuẩn bị các giải pháp nào để PCCC, thưa ông?
- Để công tác PCCC mang lại hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho nhiều đối tượng; tổ chức tuyên truyền miệng tại các cơ sở, khu dân cư, đồng thời phát tài liệu về kiến thức an toàn PCCC và CNCH.
Tổ chức chương trình “Một ngày làm lính chữa cháy” cho thiếu nhi, học sinh của các trường học. Tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy tại các tuyến đường, khu dân cư, khu công nghiệp. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ hộ gia đình thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn PCCC tại cơ sở, hộ gia đình theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chú trọng công tác kiểm tra an toàn PCCC tại các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, trung tâm thương mại, khách sạn…, nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC và CNCH. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC được phát hiện trong quá trình kiểm tra; kiên quyết tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở sai phạm nghiêm trọng hoặc những trường hợp vi phạm đã được cơ quan Cảnh sát PCCC kiến nghị nhiều lần nhưng không khắc phục.
Đối với các địa phương có rừng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với CA các địa phương và lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC rừng trong mùa hanh khô. Tăng cường lập và thực hành các phương án chữa cháy, nhất là các phương án chữa cháy tại các địa bàn trọng điểm, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Phương án diễn tập có sự phối hợp của nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH; nâng cao kỹ năng, chiến thuật tham gia các tình huống PCCC phức tạp. Đảm bảo quân số, phương tiện thường trực để sẵn sàng chiến đấu, nhằm xử lý kịp thời các vụ cháy, nổ xảy ra.
Ông có khuyến cáo gì đối với người dân về công tác phòng chống cháy, nổ?
- Đối với hộ gia đình, không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà, trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít. Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà phải cách xa bếp đun nấu; nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng dầu... phải kín. Ngoài ra, phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Đối với chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần rà soát và có kế hoạch sửa chữa, cải tạo, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC bằng cách đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện, báo cháy, chữa cháy; chuẩn bị sẵn sàng nguồn nước chữa cháy tại chỗ để đề phòng khi có sự cố cháy nổ xảy ra…
Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)