Ngăn chặn các hoạt động chống phá bầu cử trên mạng
Cũng như nhiều sự kiện chính trị lớn khác, trước cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đối tượng thù địch lợi dụng không gian mạng để chống phá. Các đối tượng dựng lên các phong trào như “không biết không bầu”, với luận điệu chế độ chính trị Việt Nam là đảng cử dân bầu, các vị trí đã được sắp xếp, không có tự do dân chủ, việc bầu cử là không cần thiết. Thủ đoạn thứ 2, các đối tượng biên soạn các tài liệu bầu cử, đòi đa nguyên đa đảng, cũng như kích động hoạt động chống phá và đưa lên không gian mạng. Thứ ba, các đối tượng đưa lên mạng nhiều thông tin bịa đặt về đời tư, sức khỏe, gia đình của một số đồng chí lãnh đạo Nhà nước, nhằm bôi nhọ hạ uy tín trong cuộc bầu cử sắp tới...
Trước những thủ đoạn đó, theo thiếu tá Nguyễn Tiến Cương - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ CA), công tác đảm bảo ANTT cuộc bầu cử đã được lực lượng CA xây dựng kế hoạch và triển khai đến các cấp CA trên toàn quốc.
Trên không gian mạng, lực lượng CA tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách cũng như các quy định về bầu cử, đồng thời phản bác lại các luận điệu xuyên tạc về bầu cử, vạch rõ bản chất của các tổ chức, cá nhân có ý đồ lợi dụng bầu cử để hoạt động chống phá.
Về công tác quản lý nhà nước, chúng ta đã thực hiện các giải pháp bảo vệ an ninh mạng theo quy định pháp luật cũng như yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông internet ở trong và ngoài nước ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về hoạt động bầu cử tại Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý các cá nhân, tổ chức có hoạt động chống phá.
HOÀI NHÂN