Vui mùa rong câu
Gần một tháng nay, rong câu xuất hiện nhiều trên đầm Thị Nại, cũng là khoảng thời gian người dân ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) có thêm việc làm từ khai thác rong câu.
Năm nay, rong câu xuất hiện nhiều, giá cao so với mọi năm, người khai thác rong cũng phấn khởi hơn. Bắt đầu công việc từ lúc mặt trời chưa ló dạng đến 7 - 8 giờ sáng, đều đặn mỗi ngày bà Phan Thị Chút (đội 21, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) canh con nước trên đầm Thị Nại cạn đi để vớt rong câu. Vừa đưa chiếc sõng chở đầy rong câu vào bờ để phơi, bà Chút chia sẻ: “Rong câu mọc trên đáy bùn cát dưới mặt nước, muốn vớt phải ngâm mình dưới nước mới lấy được. Nghề này không khó nhưng phải đằm mình dưới nước nhiều giờ và chịu nắng. Mỗi buổi vớt một sõng rong, phơi khô được 60 - 70 kg rong, bán với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg như hiện nay cũng kiếm được 300 - 400 nghìn đồng”.
Không chỉ chế biến thành thực phẩm, rong câu còn được sử dụng làm thức ăn cho thủy sản nuôi.
Dọc theo bờ đê kéo dài hàng cây số, từng đám rong câu màu đen mảnh như sợi cước được phơi như những thửa ruộng nhỏ. Đều tay lật trở rong phơi, bà Trần Thị Bảy (đội 21, thôn Vinh Quang 2), vui vẻ nói: “Năm nay, rong xuất hiện nhiều, bữa giờ tôi khai thác, phơi được vài tạ rong khô, chờ gom lại số lượng lớn bán luôn thể. Nghề này phần lớn phụ nữ làm, còn đàn ông ở đây thì đi đánh cá, nuôi thủy sản. Hôm nào khỏe thì đi vớt rong, làm lai rai mỗi ngày thu nhập cũng ổn, đỡ vất vả hơn so với đi làm công nhân”.
Sản lượng rong thu hoạch cao, giá bán rong năm nay tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với trước, người vớt rong theo đó có thu nhập khá. “Rong câu thường xuất hiện từ tháng 3 - 8 âm lịch, nhiều nhất là mùa gió Nam từ tháng 5 - 6. Hai năm qua rong “vắng bóng”, giờ xuất hiện trở lại, bà con được mùa rong, lại được giá. Bữa giờ ngày nào vợ chồng tôi cũng đi vớt rong, mỗi người một sõng vớt từ 4 - 5 giờ là đầy, thu nhập cũng được 300 nghìn đồng/người/ngày”, ông Nguyễn Như Báu (cũng ở đội 21, thôn Vinh Quang 2), bộc bạch.
Rong câu được người dân khai thác về bán cho những người chuyên mua gom xuất bán các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh. Bà Lê Thị Đẹp, người chuyên mua gom rong câu ở đội 21, thôn Vinh Quang 2, cho biết: “Giá rong câu hiện tôi mua gom tại chỗ cho bà con từ 5.500 - 6.000 đồng/kg rong khô, bán lại với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg. Rong câu khô bán lại cho thương lái khác chủ yếu xuất đi Hải Phòng, Hà Nội, mỗi lần xuất bán vài tấn rong”.
Người dân không chỉ khai thác rong câu về phơi khô rồi bán, mà còn được sử dụng làm thức ăn cho thủy sản nuôi. Anh Phạm Hoài Dũng, một hộ nuôi thủy sản ở xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn), cho hay: “Tôi có đìa nuôi thủy sản 5.600 m2, thả nuôi hơn 6.000 con cá dìa, 10.000 con cua, 70.000 con tôm sú. Ngoài thức ăn công nghiệp, mồi thủy sản tươi, cứ 5 - 7 ngày tôi dùng xuồng máy chạy dọc Cồn Chim để vớt rong câu về cho cá dìa ăn. Rong câu dùng cho cá ăn không những giúp chúng kích thích hệ tiêu hóa mà còn góp phần làm sạch đáy đìa nuôi, thủy sản nuôi sinh trưởng tốt”.
Rong câu (rong câu đầm - còn gọi rau câu) sinh trưởng ở vùng đầm nước lợ, khác với rong câu biển, có giá trị kinh tế không cao bằng rong câu biển. Rong câu đầm là loại tảo thủy sinh mọc nhiều nhất ở vùng đầm phá, ngã ba các cửa sông. Rong câu sau khi khai thác về phơi khô, ngâm giặt nhiều lần cho trắng sạch và được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng như thạch rau câu, chè, xu xoa… có tác dụng thanh nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc khai thác rong câu quá mức cũng dẫn tới suy giảm nguồn lợi rong câu, tác động tới hệ sinh thái đầm, môi trường sống của các loài thủy sản.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN