Bình Thuận “đại thắng” mùa đậu phụng
Người trồng đậu phụng ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) đang đón mùa vui thu hoạch đậu. Thoăn thoắt nhổ đậu phụng giữa những ngày nắng oi ả, nhưng ông Nguyễn Văn Tư (thôn Thuận Nhứt) vẫn nở nụ cười tươi tắn khi nói về câu chuyện “trúng mùa, được giá”: “12 sào đậu phụng của gia đình tôi cho năng suất bình quân 250 kg đậu tươi/sào, phơi khô còn khoảng 125 kg; với giá bán 24.000 đồng/kg đậu khô, trừ hết chi phí cũng có lãi gần 20 triệu đồng. Cây đậu phụng trồng ngắn ngày, chừng 3 tháng đã cho thu hoạch”. Tại thôn Hòa Mỹ, chị Nguyễn Thị Lụa cũng cho biết 16 sào đậu phụng đã thu hoạch, bán được phân nửa. Nhờ đầu tư chăm sóc nên năng suất cây đậu phụng năm nay đạt cao, hơn 300 kg/sào. Giá bán đậu cao hơn mọi năm, vui càng thêm vui.
Cơ giới hóa thu hoạch đậu phụng bằng máy lắc hạt.
Không chỉ có người trồng đậu, cả những người làm dịch vụ “ăn theo” cũng vui không kém. Anh Phan Văn Hoàng, chủ máy lắc hạt phấn khởi cho biết: Năm rồi, thấy nhiều người ở địa phương thu hoạch đậu phụng lên phải chờ chực máy lắc hạt, nên tôi đầu tư 120 triệu đồng mua mới một máy lắc hạt làm dịch vụ. Mùa đậu này, bà con “trúng”, máy lắc hạt phải hoạt động liên tục cả ngày cả đêm, mỗi ngày làm trên 30 sào đậu. Người dân chuộng máy lắc hạt đậu bởi thu hoạch nhanh, gọn (chỉ 1 tiếng đồng hồ/sào); chi phí giảm chỉ còn 150 nghìn đồng/sào.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho hay: Đậu phụng là cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, đầu ra tương đối thuận lợi nên nhiều năm qua nông dân mở rộng diện tích trồng. Vụ Đông Xuân năm nay, diện tích cây đậu phụng trên địa bàn xã đã lên 748,4 ha, năng suất ước đạt 41,5 tạ/ha (cao hơn vụ Đông Xuân trước 2 tạ/ha). Ngoài sử dụng máy trỉa đậu, chế tạo béc phun nước để giảm bớt công tưới, người trồng đậu ở địa phương còn cơ giới hóa sản xuất bằng cách sử dụng máy lắc hạt để khâu thu hoạch nhanh hơn, hiệu quả hơn. Hiện, số máy lắc hạt đậu ở địa phương đã tăng lên 32 máy. Đậu phụng được mùa, được giá, người dân có việc làm, thu nhập cao.
ĐINH NGỌC