Ngày mới trên đất khu Đông
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm lại các xã khu Đông của huyện Tuy Phước (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng) để cảm nhận những thay đổi tích cực trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
Xuôi theo tuyến tỉnh lộ 640 vừa được nâng cấp, thảm nhựa phẳng lỳ, chúng tôi về thăm lại các xã khu Đông Tuy Phước. Dọc 2 bên đường là những dãy nhà khang trang, hiện đại, các điểm buôn bán, dịch vụ với đông đúc người mua, người bán, cùng những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt đang vào vụ thu hoạch đã làm nên hình ảnh một vùng đất tràn đầy nhựa sống. Nhiều người bảo với tôi rằng, để có được quê hương đổi mới như ngày hôm nay, 10 năm qua, chính quyền các địa phương đã bắt tay thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Một góc trung tâm thương mại, dịch vụ chợ Mới xã Phước Sơn.
Từ “làn gió” xây dựng nông thôn mới
Năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền các xã khu Đông Tuy Phước xác định rõ, muốn phát triển KT-XH một cách bền vững, vấn đề quan trọng đầu tiên mang tính đột phá đó chính là đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo động lực cho phát triển. Nhờ xác định hướng đi đúng và được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân nên chỉ sau thời gian ngắn thực hiện, 4 xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận đã về đích nông thôn mới.
Ông Nguyễn Như Giàu, Bí thư Đảng ủy xã Phước Sơn, phấn khởi nói: Trong xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã và chính quyền, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng sự đổi mới và phục vụ nhu cầu phát triển dân sinh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ, cộng với ngân sách xã và nhân dân đóng góp, xã đã huy động hơn 100 tỷ đồng đầu tư đúc bê tông hoàn thiện 166 tuyến đường giao thông nông thôn, với chiều dài hơn 44 km và 9 tuyến kênh mương nội đồng, với chiều dài gần 7 km.
Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021 trên cánh đồng mẫu lớn của huyện Tuy Phước.
Tại xã Phước Hòa, ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Chỉ sau một thời gian ngắn bắt tay vào thực hiện, đến cuối năm 2018 xã đã về đích xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm, từ 2016 - 2018, địa phương đã đầu tư trên 57 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên bộ mặt nông thôn đổi khác hoàn toàn.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Đình Thuận chia sẻ: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thành công ngoài mong đợi. Trong 10 năm (2011 - 2020), tổng kinh phí để đầu tư xây dựng nông thôn mới của huyện lên đến hơn 5.252 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 3.492 tỷ đồng (chiếm 66,4%); vốn tín dụng hơn 1.760 tỷ đồng (chiếm 33,5%). Trong 11 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện, phải nói rằng 4 xã khu Đông nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân mạnh mẽ nhất, nên tốc độ thực hiện khá nhanh và hiệu quả tích cực nhất.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân khởi sắc
Giờ đây, các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận không chỉ được xem là “vựa lúa, vựa tôm, vựa cá” của cả huyện mà đã và đang hình thành nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ, điểm kinh doanh, mua bán sầm uất.
Ông Nguyễn Như Giàu phấn khởi thông tin thêm: Xã Phước Sơn từ việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã tạo nền tảng vững chắc cho địa phương bứt phá phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế của xã luôn tăng trưởng ở mức từ 3 - 5,7%. Đặc biệt, đến nay, các cụm thương mại, dịch vụ như: Khu trung tâm chợ đầu mối xã Phước Sơn; chợ Đình Vinh Quang 2; chợ Gò Thị Xuân Phương; chợ Kỳ Sơn đã trở thành nơi giao thương, mua bán hàng hóa lớn không chỉ của các xã khu Đông Tuy Phước mà còn là nơi giao thương hàng hóa với các xã Đông Nam Phù Cát và khu Đông An Nhơn. Nhờ đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, năm 2020, xã đã thu ngân sách đạt trên 65 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%.
Cảm nhận về sự đổi mới đi lên của quê hương sau 46 năm đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Anh Tuấn, người dân ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, bày tỏ: “Vui lắm, phấn khởi lắm! Có niềm vui nào bằng khi chứng kiến quê hương đổi mới từng ngày, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thành quả đó khó có thể đạt được nếu không có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực các tầng lớp nhân dân!”.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa Nguyễn Văn Nhâm cho biết thêm: Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng thành công các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn trong sản xuất lúa. Chú trọng phát triển các ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Liên tục nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế của xã tăng trưởng ấn tượng. Riêng năm 2020, giá trị sản xuất nông - ngư nghiệp tăng trưởng ở mức 6,3%; tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ tăng trưởng 7,2%.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÂN