Khởi sắc vùng đất trung du
Vùng đất trung du Hoài Ân bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh đã và đang khởi sắc từng ngày. Trong nhịp phát triển của Hoài Ân hôm nay, nổi bật là tinh thần cần cù lao động, khát vọng vươn lên mạnh mẽ và quan điểm sống tích cực của những người nông dân bình dị.
Lao động là lẽ sống!
Bước vào tuổi 60, có lương hưu lại thêm thu nhập lặt vặt từ đồng áng, con cái thì đều đã có cuộc sống riêng ổn định, vậy mà vợ chồng ông Phạm Đình Độ (ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ) vẫn quyết định dốc hết vốn liếng đầu tư làm vườn quy mô lớn. Là một trong những hộ tham gia “Dự án cây trồng có thế mạnh” giai đoạn 2016 - 2020 do UBND huyện đầu tư hỗ trợ, từ 5 năm trước, vợ chồng ông Độ đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 7 ha đất gò, đồi trồng keo kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái lâu năm. Trong đó, chủ lực là bưởi da xanh (4 ha), quýt đường (2 ha), bơ Booth... theo hướng VietGAP. Nhờ chịu khó học hỏi, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bưởi và bơ sinh trưởng, phát triển tốt, đang cho quả lứa đầu, còn quýt đường thu hoạch đã 2 năm nay. “2 ha quýt mỗi năm mang lại trung bình 150 triệu đồng, ngoài ra, để lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng tui đã trồng xen ớt, sả, đu đủ... tạo nguồn thu mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Vợ chồng ông Phạm Đình Độ chăm sóc vườn đồi cây ăn quả của mình.
Vài năm gần đây, vùng trung du này xuất hiện ngày một nhiều những “triệu phú, tỷ phú chân đất”, gắn với những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh. Đó cũng là những “Nông dân sản xuất giỏi” cấp quốc gia, cấp tỉnh như “vua bưởi da xanh” Võ Đông Sơ (thị trấn Tăng Bạt Hổ), “vua gà thả đồi’’ Mai Văn Rõ (xã Ân Tường Tây)... Điều kiện, sản phẩm, cách thức sản xuất, hướng đi... mỗi người có thể khác nhau song ở họ đều có điểm chung, nổi bật, đó là tinh thần cần cù, hăng say lao động, ý chí, nghị lực vượt qua hoàn cảnh cùng khát vọng vươn lên khẳng định bản thân, xây dựng gia đình và góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Xin thoát nghèo - chuyện không còn lạ
Trên nền tảng của một địa phương kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng bền vững và liên tục nhiều năm qua dẫn đầu tỉnh về công tác giảm nghèo, Hoài Ân đồng thời xuất hiện “hiện tượng” người dân chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo!
Nhiều nhất là ở xã đặc biệt khó khăn Ân Nghĩa, năm 2019 có 8 hộ đề nghị được thoát nghèo, năm 2020 trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai vẫn tiếp tục có 8 hộ “xin ra”. Giải thích về quyết định này, thú vị là tất cả các hộ đều có điểm chung: Gia đình đã được hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn nhất, nên ngay khi tạm ổn thì rút khỏi danh sách để nhường cho những hoàn cảnh khác.
Như trường hợp hộ Nguyễn Văn Vinh (42 tuổi, thôn Bình Sơn. Gần 10 năm trước, khi vợ, con ông Vinh mắc bệnh nặng, việc chữa trị tốn kém và lâu dài, địa phương đã đưa gia đình ông vào diện hộ nghèo. Đến đầu năm 2020, người con bị ung thư vẫn phải điều trị định kỳ nhưng bệnh của người vợ đã có phần thuyên giảm, có thể lao động nhẹ trở lại, vợ chồng anh Vinh thống nhất xin ra khỏi diện hộ nghèo. Anh Vinh chia sẻ: “Tại buổi họp thôn, khi trình bày nguyện vọng, bà con khuyên nên ở lại thêm vài năm nữa để xốc vác lại kinh tế gia đình, nhưng vợ chồng tui đều nghĩ phải nỗ lực tự thân, phải thoát diện hộ nghèo để giảm gánh nặng cho Nhà nước”.
Trong số 17 hộ chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2020, trường hợp cao tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Sót ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông. Chồng mất, con cái không ở cùng, 84 tuổi, cụ bà sống đơn thân này đã xin ra khỏi hộ nghèo trước sự bất ngờ của bà con địa phương. “Mình tuy tuổi cao nhưng vẫn lao động nhẹ được, còn có thể tự lái xe máy chở rau ra chợ bán, thì nỡ nào để ngân sách nhà nước phải bảo trợ”, bà Sót giải thích.
Có thể thấy, đi sâu vào tìm hiểu, sẽ thấy câu chuyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của người Hoài Ân không phải là chuyện lạ. Đó chính là kết quả của công tác giảm nghèo được huyện chú trọng thực hiện nhiều năm qua, đã góp phần cải thiện đời sống vật chất - tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, từ “mạch nguồn” của một vùng đất có truyền thống ngoan cường trong kháng chiến, giàu khát vọng trong thời bình, nhận thức, trách nhiệm xã hội của người dân càng được bồi đắp, phát huy. Nhìn nhận, đánh giá về điều này, ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, cho biết: “Chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo, đồng nghĩa mất đi chính sách ưu đãi, song bà con rất quyết tâm với quyết định của mình. Điều này xuất phát từ nhận thức tích cực của bà con, dựa trên tình hình kinh tế từng hộ được cải thiện, mang tính bền vững”.
Bài, ảnh: SAO LY