Chiếu áo gối của nữ tù cách mạng
Chiếc áo gối tôi muốn kể ra là của chị Nguyễn Thị Đào, (SN 1955, quê ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) là một trong những nữ tù chính trị kiên trung, từng bị địch giam giữ tại Nhà lao Quy Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ.
Chị Đào sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ba của chị tham gia du kích xã hoạt động bí mật, bị địch bắt, tù đày và hy sinh trong nhà lao. Chị ruột của chị cũng sớm tham gia cách mạng tại địa phương và từng bị địch bắt, tù đày. Chị Đào tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi. Ban đầu chị tham gia làm giao liên đưa giấy tờ, truyền tin cho cán bộ xã, huyện. Đầu năm 1970, khi mới 15 tuổi, trong một lần làm công tác giao liên, chị bị địch phát hiện và bắt giữ, đưa vào trại giam thị trấn Phù Mỹ, sau đó lại chuyển vào Nhà lao Quy Nhơn. Mặc dù địch tìm mọi cách tra tấn dã man nhưng chị vẫn nhất quyết không khai báo, giữ vững chí khí cách mạng.
Những ngày tháng bị giam cầm tại Nhà lao Quy Nhơn, nỗi nhớ gia đình và người mẹ già ở quê hương luôn dâng trào trong chị. Để động viên tinh thần mẹ già đang trông ngóng đứa con, chị tìm cách thêu một chiếc áo gối, gửi về Mỹ Tài cho mẹ. Để truyền tải thông điệp tình yêu thương của mình giành cho mẹ, trên mặt chính của chiếc áo gối chị đã thêu hai câu thơ:
Con hiền vắng bóng quê hương
Gối hoa con giữ tình thương mẫu tử
Chiếc áo gối có dáng hình chữ nhật, được làm từ chất liệu vải kate màu xanh da trời nhạt, rìa mép ngoài cùng được thêu những đường diềm chỉ màu vàng và xanh. Mặt chính của gối thêu hình hai khóm hoa 5 cánh màu vàng, lá màu xanh ở hai góc chéo của mặt gối. Hai dòng chữ thêu bằng chỉ màu đỏ, nét chữ thêu giản dị nhưng thắm đượm tình cảm của một người con giữa lao tù dành cho mẹ ở quê nhà. Chiếc áo gối trở thành kỷ vật gợi nhớ những ngày tháng gian khổ, đồng thời động viên mọi người dù trong hoàn cảnh nào vẫn cần phải lạc quan, yêu đời, giữ vững ý chí cách mạng, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng và sự thắng lợi của cách mạng.
Sau ngày thống nhất đất nước 30.4.1975, vì lý do sức khỏe, cộng với hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn nên chị Đào được Đảng và Nhà nước công nhận là thương binh hạng 3 và sắp xếp cho nghỉ ở địa phương. Hiện gia đình chị đã tặng kỷ vật quý giá trên để Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ, làm hiện vật về một thời cách mạng gian khó nhưng đầy tự hào, vinh quang.
NGUYỄN VIẾT TUẤN