KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN SAU NGÀY THỐNG NHẤT (25.4.1976 - 25.4.2021)
Ngày hội thống nhất non sông
Cách đây 45 năm, ngày 25.4.1976, sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cử tri cả nước hân hoan cầm lá phiếu bầu ra những người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội đất nước Việt Nam thống nhất.
QH khóa VI biểu quyết thông qua Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại Kỳ họp thứ nhất. Ảnh tư liệu
Để thực hiện trọn vẹn giấc mộng thống nhất, tháng 11.1975, đoàn đại biểu hai miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị tại TP Hồ Chí Minh, quyết nghị “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và CNXH. Đó là sự thống nhất trọn vẹn nhất”.
Hội nghị hiệp thương chính trị quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu ra Quốc hội (QH) thống nhất vào ngày 25.4.1976.
Nô nức đi bầu quốc hội thống nhất
Ngày 3.1.1976, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 228-CT/TW, nêu rõ: Cuộc Tổng tuyển cử bầu QH của nước Việt Nam thống nhất sẽ được tiến hành trên cả nước trong cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thống nhất thành lập Hội đồng Bầu cử toàn quốc với 22 thành viên, mỗi miền có 11 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Trường Chinh, Phó Chủ tịch là đồng chí Phạm Hùng. Hội đồng có nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức bầu cử, giám sát bỏ phiếu trên phạm vi cả nước; tổng kết công tác bầu cử; tuyên bố kết quả bầu cử; cấp giấy chứng nhận cho đại biểu trúng cử và báo cáo kết quả bầu cử trước QH, trước cử tri hai miền.
Xúc động ngày đoàn tụ
NSND Trà Giang (tên đầy đủ Nguyễn Thị Trà Giang) làm ĐBQH 3 khóa; trong đó khóa V là thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, khóa VI - VII thuộc “biên chế” Đoàn ĐBQH tỉnh Nghĩa Bình. Bà chia sẻ rằng, trong suốt thời gian làm đại biểu dân cử, ấn tượng sâu đậm nhất chính là những ngày họp đầu tiên của QH khóa VI - khi ĐBQH cả nước được đoàn tụ. Bà được gặp nhiều ĐBQH là văn nghệ sĩ miền Nam - những người trước đây chỉ được biết đến qua báo chí với những chiến công trong kháng chiến.
Sau này, khi có thời gian rảnh rỗi, NSND Trà Giang đều theo dõi các phiên họp của QH. Bà cho rằng, hoạt động của QH ngày càng có nhiều đổi mới, theo hướng sôi nổi, chất lượng, nhất là các cuộc chất vấn được nhiều người quan tâm. Tiếng nói của người ĐBQH được lắng nghe nhiều hơn, vai trò, vị trí của họ ngày càng được nâng lên.
Ngay sau đó, các hoạt động chuẩn bị cho ngày bầu cử được chuẩn bị chu đáo và triển khai nhanh chóng ở khắp nơi trên khắp cả nước, từ miền Bắc vào miền Nam, từ miền xuôi lên miền núi.
Sáng 25.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu QH của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức. Nhiều hãng tin lớn nước ngoài và báo chí tại Việt Nam liên tục cập nhật tình hình bầu cử, không khí nô nức, tươi vui ở khắp nơi trên cả nước. Cử tri hân hoan trong ngày hội đầu tiên sau ngày thống nhất của dân tộc; vẹn tròn niềm vui của cư dân một nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
Ngày ấy, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa VIII, IX Trần Văn Nhẫn tham gia bỏ phiếu ở đơn vị bầu cử số 1 - nay thuộc phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn. Ông nhớ mãi về buổi sáng năm ấy, mọi ngả đường rộn ràng tiếng cười nói. “Dân mình hay nói “nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết” - ý chỉ lực lượng bám trụ tại chỗ, ở tù ra, từ chiến khu hay đi tập kết trở về. 4 lực lượng đoàn tụ sau giải phóng, ai ai cũng phấn khởi mong chờ thống nhất; mọi người cùng rủ nhau đi bỏ phiếu, chọn được đại biểu đại diện cho mình”, ông Nhẫn nhớ lại.
Hoàn thành thống nhất về mặt nhà nước
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau ngày thống nhất, cả nước có 98,7% cử tri đi bầu; bầu ra 492 ĐBQH khóa VI; Đoàn ĐBQH tỉnh Nghĩa Bình có 18 đại biểu. Sau ngày Tổng tuyển cử hai tháng, sáng 24.6.1976, QH khóa VI - QH của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc Kỳ họp thứ nhất với sự có mặt của 482 ĐBQH của cả hai miền Nam - Bắc.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “Kỳ họp QH lần này là một dấu mốc trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Từ mấy tháng nay, công nhân, nông dân, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân khác trong cả nước đã phát động phong trào thi đua sôi nổi lấy thành tích chào mừng QH chung cả nước. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh QH mới và đặt nhiều hy vọng vào QH”.
Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu QH khóa I (6.1.1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung đã được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu QH của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà.
Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Với mục tiêu thể chế hóa đường lối chiến lược của Đảng, QH khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng bản hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất - Hiến pháp 1980, thể hiện một bước phát triển mới trong công tác lập hiến. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được qua nửa thế kỷ đấu tranh để giành độc lập, tự do. Cùng với đó là thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết tâm xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa QH trước, QH khóa VI đã hoàn thành trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, hoàn thành tốt các chức năng được giao theo quy định của Hiến pháp năm 1980. Đồng thời, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước...
Góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của QH Việt Nam, cuộc bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23.5.2021 trên phạm vi cả nước. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội; nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, gắn liền với công tác cán bộ. Ðây là nơi để cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong QH và HÐND các cấp nhiệm kỳ mới. Qua đó, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
NGUYỄN VĂN TRANG