Nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai
Nhà truyền thống các LLVT nhân dân tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng khang trang và không ngừng nỗ lực sưu tầm hiện vật để ngày ngày kể chuyện, nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước.
Nơi lịch sử “sống” mãi
Nhà truyền thống các LLVT nhân dân tỉnh Bình Định được khởi công xây dựng vào ngày 31.3.1998 và khánh thành vào ngày 17.12.1999 với tổng diện tích 1.500 m2, diện tích sử dụng là 900 m2. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam. Đến năm 2019, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí gần 1 tỷ đồng cho Bộ CHQS tỉnh để sửa chữa, nâng cấp Nhà truyền thống. Có thể nói, Nhà truyền thống các LLVT nhân dân tỉnh Bình Định là một trong những thiết chế văn hóa trong quân đội, kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.
Tổ chức cho học sinh đến tham quan Nhà truyền thống các LLVT nhân dân tỉnh Bình Định là cách hữu hiệu để giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương.
Theo trung tá Bùi Quốc Sự, Trợ lý Tuyên huấn, phụ trách Nhà truyền thống: Hiện nay, Nhà truyền thống đang lưu giữ hơn 570 hiện vật. Trong đó có rất nhiều hiện vật là tư liệu quý về LLVT tỉnh từ những ngày đầu thành lập đến quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của đất nước và thời gian, các hiện vật lịch sử vẫn là những tư liệu “sống”, lưu giữ một phần lịch sử đấu tranh cách mạng oai hùng, đầy tự hào của quê hương.
Đơn cử như chiếc ná của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tới. Chiếc ná này, mẹ Tới đã dùng để bắn chết một tên thiếu úy bảo an ngụy khi chúng đi càn ở Vĩnh Thạnh vào năm 1959. Hay khẩu súng rulô mà Đội du kích mật Hoài Nhơn (Đội Chim én) diệt tên ấp trưởng trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài ra còn có các loại súng; các quyết tâm thư; báo Quyết thắng; mệnh lệnh tổng tiến công…
Gửi gắm cho thế hệ sau
Những năm qua, Nhà truyền thống các LLVT nhân dân tỉnh Bình Định không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu những hiện vật lịch sử, chiến công to lớn của cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đến Nhà truyền thống vào những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ niềm tự hào, xúc động trên khuôn mặt của từng khách tham quan trước những thành tích, chiến công của quân và dân Bình Định được khái quát, cô đọng, súc tích qua mỗi hiện vật.
Thiếu tá Ðinh Thị Hoàng Thanh, Phụ trách công tác thuyết minh Nhà truyền thống, cho biết: Hiện tại Nhà truyền thống được bố trí trưng bày với 3 phần. Phần khánh tiết giới thiệu khái quát về chủ đề “Đất nước và con người Bình Định”. Phần thứ hai với các chủ đề “Quân và dân tỉnh Bình Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Phần thứ ba có chủ đề “LLVT tỉnh với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. “Xây dựng Nhà truyền thống chỉ là bước khởi đầu. Để Nhà truyền thống cũng như các hiện vật lịch sử sống mãi với thời gian cũng như trong lòng người dân mới là vấn đề quan trọng. Chính vì vậy, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên tìm cách sắp xếp, thay đổi, bổ sung một số hiện vật lựa chọn từ nguồn sưu tầm để trưng bày, nhằm tạo sự đổi mới và đưa được nhiều hiện vật đến với khách tham quan”, thiếu tá Thanh chia sẻ.
Được vào thành phố tham gia lớp bồi dưỡng lý luận chính trị đối tượng kết nạp Đảng, hạ sĩ Võ Ngọc Bảo (Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82, Đại đội Hỗn hợp Đ30, đóng ở xã đảo Nhơn Châu) đã lần thứ 2 đến tham quan Nhà truyền thống. Bảo bày tỏ: “Là người lính nên mỗi lần được xem các hiện vật tại đây, tôi lại càng cảm thấy yêu quý, cảm phục tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, chịu đựng gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Tôi nhận thấy mình phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt trong môi trường quân đội để bản thân ngày càng tiến bộ và đóng góp thật nhiều cho quê hương”.
Được biết, ngoài những giờ mở cửa hằng ngày đón khách tham quan, vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, nhất là Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12), hầu hết các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Quy Nhơn đều đăng ký và tổ chức cho học sinh đến tham quan Nhà truyền thống. Bởi những hiện vật của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước chính là bài học quý giá nhất cho lớp lớp thế hệ trẻ biết trân trọng, ra sức học tập, đóng góp cho quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC