Tổ quốc trên những con tàu
Với ngư dân, lá cờ Tổ quốc tung bay trên mỗi con tàu giữa muôn trùng sóng gió biển khơi đã trở thành biểu tượng cột mốc chủ quyền thiêng liêng; tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và ý chí kiên cường vươn khơi bám biển trên mọi vùng biển đảo của Tổ quốc.
Ngư dân Bình Định thay mới cờ Tổ quốc để vươn khơi trong chuyến biển mới.
Sau mùa trăng, không khí tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan náo nhiệt hơn, hàng trăm con tàu của ngư dân trong tỉnh cập cảng bốc tổn, chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm để vươn khơi. Tiếng người nói cười giòn giã, tiếng máy xay đá xình xịch rộn vang tại bến cảng, nhiều tàu cá bốc tổn xong lần lượt nhổ neo rời bến, rẽ sóng ra biển. Mỗi khi đi biển, ngư dân luôn gìn giữ, thay mới những lá cờ Tổ quốc để hải trình của mỗi con tàu vươn khơi đều có hồn đất nước đi cùng.
Giữa biển trời tổ tiên ta để lại
Trên hai con tàu lưới vây ánh sáng 718 CV số hiệu BĐ 91347-TS, 910CV số hiệu BĐ 91057-TS cập cầu cảng cá Quy Nhơn, ngư dân Lê Văn Cu, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn cùng bạn tàu đang chuẩn bị cho phiên biển mới. Hơn 40 năm gắn bó với nghề biển đánh bắt xa bờ, ông Cu xem lá cờ Tổ quốc là “trái tim” của con tàu trong hải trình khai thác thủy sản khắp các ngư trường của Việt Nam. Kiểm tra xong mọi thứ, ông Cu cho bạn tàu thay mới những lá cờ Tổ quốc trên tàu. “Với ngư dân, tự bao đời nay, hành trang mang theo trên mỗi con tàu hướng về Biển Đông không thể thiếu những lá cờ Tổ quốc treo trên tàu. Giữa trùng khơi mênh mông, mình không thể xác định đó là tàu của tỉnh nào, nhưng nhìn thấy cờ đỏ sao vàng phía xa đang phấp phới là chúng tôi cảm thấy ấm lòng, cảm xúc lại dâng trào, vững tâm bám biển. Trên hai tàu cá của tôi, ngoài nhu yếu phẩm, nhiên liệu, lúc nào cũng có 20 - 30 lá cờ Tổ quốc mang theo để sẵn sàng thay mới những lá cờ bạc phai vì mưa nắng! Cờ Tổ quốc lúc nào cũng phải thắm tươi!”, giọng ông Cu đột nhiên chân tình, ấm áp hẳn lên.
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho ngư dân Bình Định, động viên ngư dân vững tin giữ biển.
Đến cảng cá Đề Gi, tôi tìm gặp ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá vỏ thép BĐ 99169-TS. Ghé quán nước đầu cảng chuyện trò, anh Châu khoe: “Chuyến biển vừa rồi làm cũng tạm ổn em à! Tàu đang đậu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh cùng bạn tàu bắt xe về nhà nghỉ ngơi, sau vài hôm nữa lại vào trỏng để đi biển”. Gần 30 năm bám biển mưu sinh, cũng đã bao lần gặp hiểm nguy do mưa bão, tàu Trung Quốc ngang ngược xua đuổi, nhưng anh cũng như bao ngư dân khác vẫn can trường bám biển. Anh Châu, bộc bạch: “Những lúc gặp hiểm nguy, nhìn những lá cờ Tổ quốc trên tàu tung bay hiên ngang giữa biển trời như thôi thúc mọi người phải cố gắng vượt qua. Cờ Tổ quốc treo trên tàu không những là hồn nước, mà chúng tôi tin rằng, mỗi phiên biển mới, nhất là dịp xuất hành đầu năm, việc thay mới cờ Tổ quốc như một niềm tin thành kính với đất nước, với những anh hùng, liệt sĩ vì nước quên thân giành độc lộc, tự do của dân tộc, luôn phù hộ cho ngư dân ra biển đánh bắt được an toàn, thủy sản đầy khoang”.
Những cột mốc chủ quyền trên biển
Khi ra biển, ở khắp các ngư trường từ Bắc vào Nam, ngư dân cũng dễ bắt gặp hình ảnh Tổ quốc mình giữa biển khơi khiến họ càng tự hào hơn. Cũng gắn bó với nghề biển ngót nghét 30 năm, ngư dân Nguyễn Cúc, ở phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97001-TS, ra khơi nhiều lần cũng đối mặt với hành động gây hấn, phá hoại của tàu cá, tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc, nhưng anh Cúc khẳng định, ngư trường của Việt Nam thì ngư dân Việt Nam được đánh bắt, không có một quốc gia nào có thể cấm. Ngư dân ra biển không đơn độc mà có nhiều tàu cá trong tổ, đội đoàn kết trên biển sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau, hơn nữa còn có lực lượng chấp pháp trên biển luôn theo sát hải trình của những con tàu để bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cờ Tổ quốc là “linh hồn” của đất nước. Chính vì vậy, ngư dân treo cờ ở những nơi trang trọng, cao nhất trên tàu cá.
Anh Cúc tự hào nói: “Với ngư dân “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, các thế hệ cha anh đi trước đã đổ biết bao nhiêu xương máu để chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chúng tôi là những thế hệ sau, đi biển không những là cuộc mưu sinh, mà còn là để khẳng định cột mốc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Giữa muôn trùng khơi, sự hiện hữu của những lá cờ Tổ quốc như tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào dân tộc để chúng tôi bám biển”.
Ðối với ngư dân, giữa đại dương rộng lớn, ở đâu có cờ Tổ quốc là ở đó sự hiện diện của tàu cá Việt Nam. Chính vì vậy, ngư dân treo cờ Tổ quốc ở những vị trí trang trọng nhất trên tàu. Vị trí đầu tiên phải kể đến là trụ cảo (trụ tời) gần mũi tàu, cờ Tổ quốc được chọn treo cao nhất, ngoài ra, cờ còn được treo giữa cabin tàu ngay vị trí thuyền trưởng lái tàu và xung quanh nóc cabin tàu, sau lái tàu.
Cả tỉnh hiện có 3.180 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại các vùng biển xa trên khắp ngư trường cả nước. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta thành lập 723 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với 2.878 tàu cá tham gia và 1 nghiệp đoàn nghề cá tại phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) để giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển. Cùng với đó, các hoạt động, như: Tuyên truyền pháp luật, tặng áo phao, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân thường xuyên được triển khai, nhằm động viên ngư dân vững tin bám biển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên các vùng biển.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho hay: “Ngư dân Bình Định có truyền thống và nhiều kinh nghiệm trong hoạt động ở các ngư trường khơi xa. Bà con nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, góp phần xây dựng, phát triển KT- XH kết hợp củng cố quốc phòng - an ninh trên biển là nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Những chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ ngư dân được tỉnh ta triển khai kịp thời, giúp ngư dân có điều kiện bám biển sản xuất, ổn định đời sống, càng thêm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để những lá cờ Tổ quốc căng gió tung bay trên mỗi con tàu đồng hành cùng ngư dân Bình Định hướng tới các ngư trường truyền thống, như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, giữa Hoàng Sa - Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ, nhà giàn DK1…”.
Trong chuyến thăm ngư dân Bình Định vào đầu tháng 11.2020, ông Lê Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) xúc động chia sẻ: “Chúng tôi là những người gần gũi, hiểu đời sống và tình cảm của bà con ngư dân. Chúng tôi luôn chia sẻ và ghi nhận mỗi con tàu của ngư dân là một cột mốc sống trên biển góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển. Công tác đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, lực lượng kiểm ngư sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng ngư dân”.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN