46 năm với nhiều bước tiến dài về y tế
Sau 46 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2021), ngành Y tế Bình Định đã có nhiều bước tiến dài. Nhìn tổng quát ở mọi góc độ khác nhau, ngành y tế đã biến đổi một cách sâu sắc về tất cả mọi mặt.
Khống chế thành công nhiều dịch bệnh
Sau chiến tranh, về mặt sức khỏe, bệnh tật và môi trường, công tác dự phòng lại càng có tầm quan trọng đặc biệt. Nhớ về những năm tháng ấy, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình trầm ngâm: Những ngày đầu sau giải phóng, nói về mạng lưới y tế cơ sở, ở An Nhơn chỉ có duy nhất một bệnh xá chủ yếu làm công tác cứu thương, hầu như không có mạng lưới y tế cộng đồng. Ngành Y tế tỉnh bắt tay vào gầy dựng mạng lưới y tế cơ sở; và đây chính là thành công đầu tiên và ấn tượng nhất của cách mạng. Y tế tuyến xã đã có đủ bác sĩ , thậm chí có trạm có tới 2 - 3 bác sĩ. Nhờ mạng lưới y tế cơ sở, chúng ta đã triển khai thành công nhiều nhiệm vụ “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, như: Chương trình tiêm chủng mở rộng; khám chữa bệnh đến gần dân hơn; đặc biệt đẩy lùi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…”.
Những thành tựu của hệ thống y tế dự phòng đã góp phần quan trọng vào kiểm soát, ngăn chặn nhiều dịch bệnh tối nguy hiểm xâm nhập vào tỉnh ta, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay.
Ở tỉnh ta, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Những chỉ số quan trọng thể hiện sự phát triển vượt bậc của y tế trong phát triển KT-XH, như: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 95%; suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm đến nay chỉ còn 8,5%; tỷ lệ tiêm chủng vắc xin hằng năm ở trẻ dưới 1 tuổi đạt 98,5%. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, giảm các tai biến sản khoa và giảm tử vong mẹ. Quản lý và điều trị đạt mục tiêu bệnh tăng huyết áp, triển khai sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, đái tháo đường, các rối loạn nội tiết do thiếu i ốt.
Bình Định cũng khống chế các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, không để bùng phát trên diện rộng như sốt xuất huyết, tay chân miệng...; giảm tỷ lệ mắc sốt rét và tiến tới loại trừ sốt rét; thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi, không còn ghi nhận ca bệnh bạch hầu, ho gà, giảm tỷ lệ mắc lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân, khẳng định: “Những thành tựu của hệ thống y tế dự phòng rất quan trọng, nó góp phần quan trọng vào kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tối nguy hiểm xâm nhập vào tỉnh như dịch SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1)... và hiện nay là Covid-19”.
Những mũi kim kỳ diệu
Đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, đến nay, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến Trung ương đã được thực hiện thành công tại bệnh viện tuyến tỉnh; nhiều kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được ở tuyến huyện, giúp chẩn đoán và điều trị được nhiều ca bệnh hiểm nghèo ngay tại địa phương, giảm khó khăn và chi phí đi lại cho người dân.
Bác sĩ BVĐK tỉnh trong ca phẫu thuật nội soi điều trị ung thư trực tràng, do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật.
Theo Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Hoành Cường, hiện bệnh viện đã thực hiện trên 90% các kỹ thuật theo phân tuyến đồng thời đã thực hiện được một số kỹ thuật cao thuộc tuyến Trung ương. Nhờ đó, hằng năm cấp cứu thành công hàng nghìn trường hợp bệnh nhân nguy kịch từ tuyến dưới chuyển lên; trong đó có những ca bệnh nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, sốc nhiễm trùng, sốt xuất huyết dengue nặng, vỡ tĩnh mạch trướng thực quản, xuất huyết tiêu hóa nặng, dị vật đường thở, chấn thương, cấp cứu thành công thai phụ thuyên tắc ối.
Có thể nói khi nền y khoa của Việt Nam sánh vai với thế giới trong nhiều lĩnh vực phẫu thuật ghép tạng thì y tế Bình Định cũng có thể tự tin thảo luận với y tế cả nước nhờ làm chủ nhiều kỹ thuật tạo dấu ấn vượt bậc. Gần đây nhất là chuyện từ tháng 2.2021, BVĐK tỉnh đã đủ điều kiện triển khai độc lập kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Chuyển mình theo xu hướng
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, tại Bình Định, tất cả các chỉ số mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao ở lĩnh vực y tế đều đạt và vượt. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước nâng cao rõ rệt, với kỹ thuật hiện đại mà khoảng 15 năm trước không điều trị được. Hiện tất cả trạm y tế đều quản lý hồ sơ sức khỏe nhân dân; các nhà thuốc, quầy thuốc đều có phần mềm để quản lý xuất nhập thuốc. Ðáng chú ý, ngành y tế tỉnh đã triển khai bệnh án điện tử, bắt đầu tại TTYT TX An Nhơn. Bước sang giai đoạn mới, ngành Y tế xác định là cột mốc bắt đầu của tiến trình thực hiện các đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của ngành để thực hiện Nghị quyết Ðại hội XX của tỉnh.
Bác sĩ Lê Thái Bình cho hay: TTYT TX An Nhơn đang xây dựng “bệnh viện số”, hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh. Hiện toàn bộ quy trình khám bệnh ngoại trú đã được số hóa. Tại các phòng khám của bệnh viện đều có màn hình hiển thị số thứ tự chờ khám tự động, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho người bệnh theo dõi lượt khám. Chúng tôi tiếp tục đầu tư hoàn thiện để người khám bệnh không cần phải mang theo hồ sơ, toa thuốc. TTYT cũng tiếp tục được thị xã đầu tư gắn liền với quy hoạch phát triển bệnh viện hạng 2 trong lộ trình An Nhơn lên thành phố từ nay đến năm 2025. Đồng thời, đầu tư mạnh hơn cho y tế cơ sở về hạ tầng, nhân lực đảm bảo phục vụ người dân.
Ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh: Thời gian tới cần thiết duy trì triển khai các chương trình mục tiêu y tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững về y tế; thúc đẩy các chương trình nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm dựa vào cộng đồng. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đầu tư phát triển kỹ thuật song song bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, tăng cường năng lực y tế cơ sở để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại y tế cơ sở. Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân. Ðặc biệt, phải quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có đạo đức tốt, chuyên môn sâu trong mọi lĩnh vực, chú ý đến đội ngũ y tế cơ sở. Tiếp tục đầu tư cho y tế, xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế; đổi mới cơ chế đầu tư, ưu tiên đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho các vùng, khu vực, lĩnh vực khó khăn.
THU HIỀN