Ứng dụng cộng nghệ cao: Ðòn bẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Kinh tế nông nghiệp Bình Định đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm tốt, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
An toàn, tiện lợi và hiệu quả
Ở tỉnh ta, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước là một trong những DN đi tiên phong trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gà giống. Hiện công ty có 3 cơ sở sản xuất gà giống quy mô lớn tại các xã: Phước Nghĩa, Phước Thành, huyện Tuy Phước và xã Nhơn Tân, TX An Nhơn thả nuôi 7.350 con gà giống cụ kỵ, 73.500 con gà ông bà, 899.150 con gà bố mẹ thuộc diện quý hiếm. Các cơ sở chăn nuôi với hàng chục dãy chuồng được xây dựng khép kín, trang bị hệ thống làm mát, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với yêu cầu phát triển của mọi lứa tuổi gà. Hệ thống cho gia cầm ăn, uống hoàn toàn tự động. Nhà máy ấp cũng được trang bị đầy đủ máy ấp, nở tự động thế hệ mới và hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý bằng chế phẩm sinh học, chuồng trại được vệ sinh, tiêu độc sát trùng sạch sẽ.
Tổ hợp gà ta giống 1 ngày tuổi MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư nức tiếng cả nước.
“Xem việc áp dụng công nghệ cao (CNC) là khâu đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế sản xuất gà giống, nên dù tốn nhiều kinh phí, chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư. Kết quả là lượng gà giống chất lượng cao sản xuất ra ngày càng nhiều, tổ hợp gà giống: MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ được Bộ NN&PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN và từ năm 2019 UBND tỉnh chứng nhận gà giống Minh Dư là sản phẩm OCOP hạng “5 sao” tỉnh Bình Định. Năm 2020, công ty đã tiêu thụ 100 triệu con gà giống thương phẩm, tiêu thụ trong nước 95% và xuất khẩu 5%, trở thành nhà cung ứng gà ta số một Việt Nam.” - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, cho hay.
Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn cũng ứng dụng CNC trong chăm sóc đàn bò sữa 2.100 con. Ông Bùi Văn Toại, Giám đốc Trang trại, cho hay: “Nhiều năm qua, Trang trại áp dụng quy trình công nghệ chăn nuôi hiện đại, đạt tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), luôn đảm bảo đàn bò sinh trưởng, phát triển trong môi trường tốt nhất. Nhờ vậy, đàn bò phát triển ổn định, năm 2020 sản lượng sữa khai thác đạt 11 triệu lít, dự kiến năm nay sản lượng sữa sẽ tăng lên 12 triệu lít.
Nhiều năm qua, Trại bò sữa Vinamailk Bình Định tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn áp dụng quy trình công nghệ chăn nuôi hiện đại, đạt tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP), đảm bảo đàn bò sinh trưởng, phát triển trong môi trường tốt nhất.
Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Tập đoàn Việt - Úc cũng đã gặt hái được nhiều thành công nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Ghi nhận tại khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao rộng 116 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ có 156 ao nuôi tôm trong nhà lưới và 140 ao nuôi trong nhà màng.
Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi tôm, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (trực thuộc Tập đoàn Việt - Úc) Nguyễn Văn Thảo, giới thiệu: Tất cả các ao nuôi tôm đều được áp dụng quy trình sản xuất của Israel, đáp ứng các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ giúp chúng tôi kiểm soát tự động tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường. Thường thì nông dân Bình Định chỉ nuôi từ 1-2 vụ tôm/năm, nhưng với công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể thả tôm giống mật độ dày và nuôi được 4 vụ/năm. Năng suất tôm nuôi đạt 60 tấn/ha, cao hơn gấp 2 lần so với năng suất tôm thẻ chân trắng mà nông dân trong tỉnh nuôi thâm canh. Sản phẩm đồng đều, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên tiêu thụ thuận lợi.
Nhờ áp dụng CNC, hoạt động nuôi tôm tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ của Tập đoàn Việt - Úc an toàn và hiệu quả.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC
Theo ngành chức năng của tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 74 DN, trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn áp dụng CNC mang lại hiệu quả tốt. Điều đó cho thấy sự thay đổi trong đầu tư phát triển và những chuyển biến tích cực của sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.
Đầu tháng 4.2021,tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp tỉnh về thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo: Phát triển nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, là giải pháp tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, trong đó chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, áp dụng CNC. UBND tỉnh sẽ đăng ký với Bộ NN&PTNT trong giai đoạn 2021 - 2025 phát triển Khu chăn nuôi trang trại tập trung Nhơn Tân thành khu chăn nuôi ứng dụng CNC. Bên cạnh đó rà soát lại diện tích vùng nuôi tôm CNC tại xã Mỹ Thành diện tích 460 ha và tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát) diện tích 150 ha đã quy hoạch và tăng cường xúc tiến, kêu gọi các DN vào đầu tư. Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục nghiên cứu quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn, khép kín, áp dụng CNC gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành chức năng xây dựng bộ tiêu chí chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng CNC tại khu vực được tỉnh quy hoạch, tạo cơ sở cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển. Các HTX, DN, trang trại sẽ tiếp tục được hỗ trợ ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước tạo dựng và phát triển thương hiệu về các sản phẩm nông nghiệp. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ