Xuất khẩu sản phẩm đặc trưng xứ dừa: Những doanh nghiệp ngược dòng số đông
Hoài Nhơn là địa phương đầu tiên trong tỉnh có DN sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc trưng địa phương xuất được sản phẩm ra nước ngoài. Đây là thành công rất lớn của DN khi nỗ lực, chủ động tìm kiếm thị trường để chào bán sản phẩm; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.
Mở đường cho nước mắm xuất ngoại
Năm 2020, Công ty TNHH Thương mại Hưng Thịnh Đạt, ở khu phố Phụng Du, phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn trở thành cái tên được nhiều người “nhớ mặt đặt tên” khi đưa nước mắm Bình Định xuất ngoại thành công.
Xưởng chế biến nước mắm truyền thống của DN Hưng Thịnh Đạt.
Trò chuyện với tôi, anh Hồ Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hưng Thịnh Đạt, cho hay, lựa chọn xuất khẩu tạo tiếng vang cho nước mắm Bình Định là một quá trình chuẩn bị dài lâu. Bởi mình làm mắm, bán mắm theo tư duy kinh doanh hiện đại, đáp ứng chính xác cái mà thị trường yêu cầu, người mua hàng mong muốn. Hỏi mắm nhỉ xuất khẩu của mình ngon không? Rất nhiều người sẽ trả lời - mặn quá, không thơm như nước mắm nhỉ Tam Quan - Hoài Hương người ta vẫn mến mộ cả trăm năm nay. Họ nói không sai! Nhưng cái đúng của họ khác với nhu cầu của khách hàng. Vậy mình làm và bán cái khách hàng cần - muốn là đúng hay thay đổi khẩu vị của khách hàng là đúng? Cái khác trong nước mắm của mình là thời gian ủ thùng lên tới ít nhất là 24 tháng, chất bảo quản tự nhiên chính là muối biển. Mắm nhỉ Hưng Thịnh Đạt mang nhãn hiệu Hưng Hải và Bếp Xưa đều đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu và được người tiêu dùng Hàn Quốc, Singapore chấp nhận.
Anh Hồ Văn Hưng chia sẻ: “Tôi mất 5 năm ròng rã để chuẩn bị, hoàn chỉnh các công đoạn, đặc biệt là khâu nguyên liệu chuẩn chỉnh thời gian ủ chượp. Sở dĩ chúng tôi ủ ít nhất 24 tháng rồi mới lọc, chiết mắm và đóng chai là vì có như thế mới tăng độ mặn tự nhiên được, cái này là “gu” ẩm thực khách hàng yêu cầu. Khi chọn phát triển nước mắm truyền thống, tôi nghĩ ngay phải định hình tên tuổi cho sản phẩm bằng những thông tin minh bạch: Cơ cở sản xuất, thông tin liên hệ, các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm; mẫu mã bắt mắt”.
Tư duy kinh doanh khác với số đông nên cả trong cách bán hàng của Hưng Thịnh Đạt cũng khác nhiều so với các DN địa phương. Mỗi tháng DN này đầu tư không dưới 500 triệu đồng để phát triển thị trường, xây dựng các đội bán hàng chuyên nghiệp; hình thành mạng lưới phân phối phủ kín khắp nơi bắt đầu từ các tỉnh miền Bắc vào tới Tây Nguyên.
“Chúng tôi đi thị trường ở các tỉnh phía Bắc miền Trung vào mùa nắng nóng, khá vất vả. Mùa mưa lạnh có lúc đến run cả người nhưng chúng tôi vẫn đến các địa điểm giới thiệu, mời dùng thử sản phẩm. Ở đâu cũng vậy, người dùng họ cần thông tin rõ ràng của nhà sản xuất. Đôi khi cách nhau vài chục cây số nhưng “gu “ hương vị đã khác, nên việc tiếp cận, xâm nhập thị trường vừa giúp khách hàng ở vùng xa biết đến mình, vừa giúp mình nhận biết chính xác nhu cầu của người sử dụng cuối cùng! Chi phí lớn nhưng không uổng vì nó cung cấp rất nhiều thông tin, dữ liệu để mình đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, Hưng tâm đắc.
Đầu năm 2021, anh Hồ Văn Hưng thông báo tin vui khi nước mắm của Hưng Thịnh Đạt xuất hiện ở kệ hàng của các nhà phân phối, đại lý khắp các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên và bắt đầu nhiều lên ở khu vực phía Nam. Đến nay, DN tiếp tục tăng quy mô nhà thùng lên 80 thùng, liên kết với khoảng 5 hộ trong làng nghề xây dựng quy trình chế biến nước mắm hợp chuẩn xuất khẩu.
Thương mại điện tử & xuất khẩu bánh tráng
Điểm chung của Sachi Nguyễn - DN sản xuất bánh tráng truyền thống và Hưng Thịnh Đạt là đi ngược với số đông. Anh Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Nguyễn, ở khối 8, phường Tam Quan, chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là đi xa trước và về gần sau. Trong khi tài chính của mình chưa đủ để phát triển thành chuỗi hệ thống phân phối, mình chọn đi song song bằng cả hình thức xây dựng đội phát triển thị trường ở những vùng giàu tiềm năng; mở rộng ra toàn quốc bằng kênh kết nối trên các sàn thương mại điện tử. Và sau đó, thông qua kênh hợp tác với sàn thương mại Alibaba, DN có hợp đồng, những lời mời từ phía các nhà nhập khẩu ở Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc”.
Bánh tráng Sachi Nguyễn có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đầu năm 2020, thời điểm nhiều DN tạm ngưng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Sachi Nguyễn là một trong những đơn vị hiếm hoi thành lập công ty. Sau khi thành lập công ty, DN này nhận một số đơn hàng gia công xuất khẩu sang Mỹ. Một điểm mới của Sachi Nguyễn so với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Hoài Nhơn là đầu tư cho bán hàng, chăm sóc khách hàng qua kênh trực tuyến rất mạnh. Đến nay, sản phẩm của DN có mặt ở hầu hết các sàn thương mại điện tử trong nước; website bán hàng riêng của công ty được cập nhật thường xuyên, nhờ vậy mức độ tương tác với khách hàng tăng lên rất cao. “Khi xuất khẩu trực tiếp bánh tráng nước dừa với tên Sachi Nguyễn, tôi không biết phải gọi tên cảm giác đó thế nào. Đó là dự định mà tôi ấp ủ từ lâu, ấp ủ từ lúc trở về quê tiếp quản cơ sở làm bánh cốm đặc sản của gia đình”, anh Vinh nói thêm.
2 gương mặt đại diện cho sức năng động DN của Hoài Nhơn đều là gương mặt trẻ, họ thành công và mang lại nhiều kỳ vọng cho chặng đường phát triển tới đây. Họ là những DN nhỏ dám vươn ra biển lớn với nỗ lực không ngừng nghỉ. Để giờ đây khi nhắc về xứ Dừa, người ta có thêm một điều để kể - vì ở Hoài Nhơn chứ không phải nơi nào khác của Bình Định có những DN địa phương tiên phong trong việc đưa sản phẩm truyền thống đi xa. Không chỉ vậy, các DN này còn phát triển nghề truyền thống khi liên kết với các hộ dân sản xuất để xây dựng quy trình hợp chuẩn, đảm bảo nguồn cung; tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương.
Chính quyền luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với DN
“Nỗ lực và đóng góp của DN là điều mà cả cộng đồng thấy rõ, đó là lý do vì sao chính quyền địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành giúp DN phát triển. Các DN này từng bước mở đầu cho việc hình thành các DN địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển lớn mạnh, trở thành những DN đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng địa phương. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện để DN ngày càng phát triển”.
Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn
DN địa phương có lớn mạnh, thì mới có thu ngân sách
“Giữa những thông báo xin tạm ngưng hoạt động, ngừng kinh doanh, giải thể, Sachi Nguyễn là một DN hiếm hoi thành lập mới và xin cấp mã số thuế, với chúng tôi đó là điều hết sức đáng mừng. DN địa phương có lớn mạnh, có tiềm năng phát triển thì mới có thu cho ngân sách, mới tạo được việc làm, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH. Ở góc độ của ngành Thuế, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để DN phát triển. Chẳng hạn như DN Hưng Thịnh Ðạt, bước đầu xuất khẩu đã nộp thuế cho địa phương, đó là tín hiệu tốt mở ra một nguồn thu ngân sách trên địa bàn”.
Ông Phạm Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Hoài Nhơn - Hoài Ân - An Lão
bài, ảnh: thu dịu