Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng dự án Luật đất đai sửa đổi
Cùng với việc xây dựng các dự án luật, quy hoạch về đất đai, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ rõ chính sách, quy định đang kìm hãm nguồn lực phát triển, gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và môi trường, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền để minh bạch thông tin về tài nguyên, môi trường - Ảnh: NHẬT BẮC
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu quán triệt nguyên tắc khi xử lý công việc: Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan khi lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát thực tiễn, đảm bảo thượng tôn pháp luật, có tính khả thi, đi vào thực tiễn, có quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý dứt điểm, không dây dưa, kéo dài.
Việc đột xuất phải nắm chắc tình hình, thực tiễn, vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn trình cấp có thẩm quyền thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Trước hết, Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai thực hiện ngay. Khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật đất đai và xây dựng dự án Luật đất đai sửa đổi; lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội.
Tiếp tục rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, từ đất đai, môi trường đến khoáng sản, nước… Các vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo để xử lý dứt điểm trong 3 đến 6 tháng tới.
Để thực hiện hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực, chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để ít phiền hà nhất, giảm thiểu sai phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận trong dân, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, sách nhiễu, gây phiền hà, trong đó chú trọng việc tạo đồng thuận, nâng cao nhận thức về môi trường, người dân nâng cao ý thức, xã hội hóa công tác môi trường.
Rà soát các dự án, đề án ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tạo động lực thực sự cho phát triển. Tránh đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp. Có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hợp pháp cho sự phát triển của ngành, phát huy tinh thần "tự lực tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình".
Trên nguyên tắc này, ưu tiên thực hiện nhanh việc chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng, hoàn thiện, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số, nhất là trong quản lý tài nguyên đất đai, nền địa lý, tài nguyên nước, khoáng sản, quan trắc, cảnh báo môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu…
Theo N.AN/TTO