Doanh nghiệp cần nắm rõ văn hóa bản địa khi xuất khẩu sang Anh
Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Anh phải nắm rõ văn hóa bản địa cũng như tìm hiểu kỹ hơn về phương thức thanh toán và các kênh phân phối tại đây.
Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.5 sẽ tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.
Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Anh, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải nắm rõ văn hóa bản địa cũng như tìm hiểu kỹ hơn về phương thức thanh toán và các kênh phân phối tại đây.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại châu Âu của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm ngoái.
Do đó, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn, nhất là với các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như sản phẩm gỗ, đồ gỗ, dệt may, cao su, cà phê gạo, giày dép...
Đặc biệt, riêng mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Anh có khả năng cạnh tranh bởi chất lượng sản phẩm cao nhưng chi phí lại thấp.
Dù vậy, để đồ gỗ Việt Nam mở rộng thị phần, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh khuyến cáo doanh nghiệp phải tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phải giữ được các khách hàng đã có và phát triển thêm khách hàng mới với những mặt hàng mới trước các đối thủ lớn đến từ Trung Quốc, Italy, Đức, Ba Lan và Hoa Kỳ.
Hiệp định UKVFTA chỉ rõ ngay khi hiệp định có hiệu lực các mặt hàng dệt may của Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu về 0% (từ mức 12%) và tập trung vào mặt hàng nguyên liệu và dệt may. Đây chính là cơ hội cho các sản phẩm này tiếp cận sâu hơn vào thị trường đầy tiềm năng như Anh.
Ngoài ra, một mặt hàng khác cũng có nhiều dư địa để vào thị trường này là giày dép.
Ngay sau khi áp dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), 37% các dòng thuế nhập khẩu của Anh đối với giày dép Việt Nam sẽ về 0% từ mức thuế trung bình 6,7%. Cùng với đó, các loại gạo thơm của Việt Nam cũng được dự báo sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần tại Anh trong thời gian tới.
Các chuyên gia thương mại cho rằng, mặc dù dư địa để hàng Việt xuất khẩu sang thị trường Anh vẫn còn nhiều nhưng để chinh phục được người tiêu dùng tại đây, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu văn hóa kinh doanh, các kênh phân phối, phương thức phân phối, phương thức thanh toán và giải quyết tranh chấp thương mại tại đây.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội bán sản phẩm qua các công ty thương mại hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng cho siêu thị; thậm chí có thể làm thương mại điện tử trực tiếp tới khách hàng.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sản phẩm sang Anh cần xây dựng website bằng tiếng Anh để giới thiệu năng lực sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm với tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, thương hiệu, các loại chứng chỉ quốc tế đã được cấp, hệ thống quản lý chất lượng đang áp dụng.
Đáng lưu ý, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nên cùng với nhà phân phối sở tại phát triển thương hiệu sản phẩm của riêng mình phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Riêng với phương thức thanh toán, hình thức thanh toán an toàn nhất là doanh nghiệp Việt Nam bán giá FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất hàng) qua thư tín dụng trả ngay không hủy ngang.
Nếu khách hàng không chấp nhận L/C (thanh toán qua thư tín dụng) cho các hợp đồng trị giá nhỏ, yêu cầu khách đặt cọc ít nhất 20% giá trị, phần còn lại chỉ giao bộ chứng từ gốc khi khách hàng thanh toán phần còn lại.
Riêng các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển tiền đi nước ngoài, tuyệt đối không thanh toán qua tài khoản cá nhân hoặc dịch vụ chuyển tiền không lưu danh như Western Union.
Theo Uyên Hương (TTXVN/ Vietnam+)