Gây trở ngại cho việc bỏ phiếu bầu cử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Người nào dùng các thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, lợi dụng hoặc ép buộc gây trở ngại cho việc bầu cử sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Trao đổi của phóng viên với Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Đoàn Luật sư Hà Nội liên quan đến nội quy của phòng bỏ phiếu và việc mang phiếu bầu ra khỏi phòng bỏ phiếu.
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan
PV: Xin hỏi luật sư, sau khi được phát phiếu bầu, cử tri có được mang về nhà rồi quay lại bỏ phiếu không hay sẽ phải thực hiện luôn tại đó?
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan: Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, mỗi cử tri khi nhận được phiếu sẽ phải tiến hành bầu ngay tại địa điểm bầu. Mỗi cử tri khi cầm phiếu bầu thì việc bầu ai chỉ một mình cử tri đó được biết và tất cả những người khác điều không được biết.
Như vậy, để đảm bảo được tính minh bạch cũng như đảm bảo được sự an toàn của lá phiếu, cử tri khi đến địa điểm bầu cử nhận phiếu bầu phải tiến hành chọn lựa các ứng viên mà mình tâm đắc và bầu ngay tại đó chứ không được cầm phiếu đem về rồi sau đó lại quay trở lại.
PV: Tình huống của một cử tri ở kỳ bầu cử năm 2016 cho biết, nơi cử tri cư trú, 9 giờ sáng ngày bầu cử, trưởng thôn tới nhà yêu cầu phải ra điểm bầu cử để bầu vì sắp hết thời gian bầu cử và nếu ra muộn thì tổ bầu cử sẽ bị phê bình. Cử tri hỏi việc làm này của trưởng thôn có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, ngày bầu cử là vào ngày chủ nhật, thời gian bắt đầu từ 7 giờ sáng cho tới 19 giờ tối. Trong những trường hợp thực tế có thể sớm hơn, nhưng thời gian bầu cử bắt đầu không được trước 5 giờ sáng và kết thúc không được sau 21 giờ cùng ngày chủ nhật đó. Như vậy là trong khoảng thời gian đó là khoảng thời gian mà các cử tri hoàn toàn có quyền thu xếp công việc của mình để bố trí thời gian để có thể ra điểm bầu cử tiến hành bầu cử. Như vậy không phải đến 9 giờ sáng là thời gian kết thúc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, trên thực tế, có lẽ các điểm bầu cử cũng cần phải đảm bảo sự tối đa lượng cử tri đi bầu cử cho nên các thành viên ban bầu cử phân công nhau đi nhắc nhở cử tri vì lo ngại cử tri có nhiều việc khác, có thể quên đi bầu cử, sẽ lỡ mất cơ hội và quyền của cử tri. Cho nên việc nhắc nhở cử tri là để đảm bảo như vậy.
PV: Vậy cử tri cần nắm rõ những nội quy gì của phòng bỏ phiếu, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan: Để cuộc bầu cử đạt kết quả và đảm bảo được yếu tố dân chủ hợp pháp, đảm bảo được quyền bình đẳng của các cử tri và cũng đảm bảo trật tự an toàn, an ninh, mọi công dân phải chấp hành nghiêm tất cả những quy định của pháp luật về bầu cử để đảm bảo ngày bầu cử sẽ được diễn ra suôn sẻ. Nội quy của phòng bỏ phiếu được tổ bầu cử niêm yết ở ngay tại phòng bỏ phiếu.
Nội dung gồm: phải chấp hành đúng các nguyên tắc và đảm bảo là tự mình bỏ phiếu chứ không nhờ người khác bỏ phiếu; tất cả các cử tri khi đến phòng bỏ phiếu cần xếp hàng theo sự hướng dẫn của tổ bầu cử và đảm bảo phải có vị trí để dành cho người khuyết tật hoặc người già để thuận tiện hơn trong quá trình bầu cử; Nghiêm cấm việc vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu dưới bất kỳ hình thức nào; Không mang vũ khí hoặc chất gây nổ vào trong khu vực bỏ phiếu. Những người không có nhiệm vụ thì không được vào trong phòng bỏ phiếu; các thành viên của tổ bầu cử, những người phục vụ bầu cử thì phải đeo phù hiệu để dễ nhận diện. Khi cử tri bỏ phiếu xong, tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu đã bỏ phiếu vào thẻ cử tri, thẻ cử tri đó chỉ có giá trị trong một lần bỏ phiếu.
Ngoài ra, những người nào dùng các thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, lợi dụng hoặc ép buộc gây ra sự trở ngại cho việc bầu cử sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, có thể bị phạt vi phạm hành chính cho tới truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV: Xin cảm ơn luật sư.
Theo Đỗ Minh (VOV1)