56 người tử vong vì tai nạn trong 4 ngày nghỉ lễ
Trong 4 ngày nghỉ lễ 30.4 - 1.5, trên toàn quốc xảy ra hơn 100 vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương 124 người.
Chiều 3.5, theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) trong 4 ngày nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra vụ 111 tai nạn giao thông, làm chết 58 người, bị thương 64 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 22 vụ, giảm 21 người chết và giảm 12 người bị thương.
Trong đó, trên đường bộ xảy ra 109 vụ, làm chết 56 người, bị thương 64 người; đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết; đường thủy xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết.
Cũng trong 4 ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 32.621 trường hợp vi phạm (trong đó có 3.476 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 15 trường hợp dương tính với ma túy) phạt tiền 31 tỷ 994 triệu đồng; tạm giữ 207 ô tô, 7.171 mô tô, xe máy và tước 2.320 giấy phép lái xe.
Trên đường bộ đã kiểm tra, phát hiện xử lý 31.855 trường hợp, phạt tiền 31 tỷ 49 triệu đồng. Các Đội thuộc Cục CSGT đã kiểm tra, xử lý 536 trường hợp; phạt tiền 1 tỷ 724 triệu đồng, tước 237 GPLX, tạm giữ 22 xe ô tô. Đường thủy xử lý 765 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 945 triệu đồng và đường sắt đã kiểm tra trên 4 nhà ga trọng điểm, 4 đường ngang, 28 chuyến tàu khách; kiểm tra nồng độ cồn và quy trình tác nghiệp 100 nhân viên đường sắt; phát hiện xử lý 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm ANTT và TTATGT dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5; qua đó, tình hình TNGT được đảm bảo, giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2020; đồng thời đã chủ động triển khai kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe mô tô tốc độ cao, rú ga, nẹt pô, có biểu hiện đua xe trái phép tại một số địa phương phía Nam, góp phần phục vụ Nhân dân đi lại an toàn dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5.
Tuy nhiên, do lưu lượng người và phương tiện giao thông đường bộ tăng cao trên một số tuyến giao thông trọng điểm, nhất là các cửa ngõ ra vào thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời nên mặc dù các lực lượng chức năng đã chủ động huy động tối đa lực lượng triển khai các phương án phân luồng, hướng dẫn, điều tiết giao thông từ sớm, từ xa, nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ ùn tắc. Cá biệt có đơn vị quản lý đường cao tốc còn không phối hợp, xả trạm theo quy định khi được yêu cầu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Trong 4 ngày nghỉ lễ đã xảy ra 4 vụ tụ tập, chạy xe mô tô tốc độ cao, rú ga, nẹt pô, có biểu hiện đua xe trái phép tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai và đoạn giáp ranh tỉnh Vĩnh Long - Cần Thơ. Lực lượng CSGT Công an các địa phương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời giải tán. Kết quả đã bắt giữ 64 đối tượng và 103 xe mô tô để xử lý.
Theo Cục CSGT, dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại của người dân tăng nên ngay từ ngày đầu tiên tuyến đường, khu vực ra vào cửa ngõ Hà Nội (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; đường Võ Nguyên Giáp, nút giao Tam Trinh - Lĩnh Nam, ngã 3 Xa La, cầu Thanh Trì, nút giao Kim Đồng - Giải Phóng, tuyến Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, vành đai 3 trên cao), TP Hồ Chí Minh (cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, hầm Thủ Thiêm), Đà Lạt (đèo Bảo Lộc, đèo Prent)… xảy ra tình trạng ùn tắc, các phương tiện di chuyển chậm.
Đến chiều ngày 2.5, người dân bắt đầu quay trở lại các thành phố nên tại một số tuyến cửa ngõ vào Hà Nội (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Nội Bài - Lào Cai), cầu Như Nguyệt (tuyến Hà Nội- Bắc Giang) lưu lượng phương tiện tăng cao, các phương tiện di chuyển chậm.
Lực lượng CSGT trên toàn quốc đều đã có các phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức điều tiết, phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, tuy nhiên do mật độ phương tiện tăng cao nên vẫn còn tình trạng ùn tắc tại một số tuyến chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo Thanh Hà (TPO)