Liên kết cùng thương hiệu lớn để làm thương hiệu
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh.
Thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp đó cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh phát triển bền vững.
Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020. Hiện giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên tới 319 tỷ USD.
Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Do ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, trung bình 10 nước có giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới đều bị sụt giảm, các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines cũng đều bị tụt hạng. Vì vậy, đây là một bước quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện.
Chuyên gia kinh tế Lê Phụng Hào cho rằng: “Thương hiệu là một trong những yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu thì khả năng đảm bảo ổn định được doanh thu nó sẽ tốt hơn, cũng như việc bán hàng sẽ thuận lợi hơn. Thương hiệu tốt có thể thuyết phục được khách hàng. Liên kết cùng thương hiệu lớn để làm thương hiệu cũng là một cách.
Trong 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP. Trong đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những giải pháp cốt lõi, nâng cao năng lực cạnh tranh trên lộ trình xây dựng tương lai xanh, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Hướng đi này đã và đang được nhiều Hiệp hội khai thác hiệu quả, trên cơ sở triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông sản, sản phẩm làng nghề, với sự tham gia ngày càng tích cực của các cá nhân, cộng đồng sở hữu.
Ông Cao Văn Chiến, Giám đốc HTX xã Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết, đối với những đơn vị làm ăn chân chính rất cần được các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi.
“Điều mà rất trăn trở và mong muốn các cơ quan chức năng bảo vệ những nhà sản xuất chân chính, vì bây giờ hàng thật, hàng giả rất phức tạp và rất là ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Cao Văn Chiến nói.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)