TRUY XUẤT NGUỒN GỐC, CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP:
Bảo vệ quyền lợi cho người trồng rừng
Nghị định 27/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 15.5.2021. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) xung quanh Nghị định mới này và các giải pháp của ngành Kiểm lâm tỉnh trong quản lý chặt chẽ theo chuỗi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp tại tỉnh ta, thời gian qua?
- Quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp là nhiệm vụ được ngành Kiểm lâm thực hiện thường xuyên nhằm bảo vệ quyền lợi cho người trồng rừng. Toàn tỉnh hiện có 160 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp với năng lực sản xuất mỗi năm khoảng 200 triệu cây giống keo lai giâm hom, keo lá tràm, keo cấy mô, bạch đàn mô, thông Caribe, sao đen, lim xanh, phi lao, được quản lý theo Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT. Theo phân cấp nhiệm vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm quản lý vườn cây đầu dòng của các cơ sở, tham mưu Sở NN&PTNT cấp mã số chứng nhận cây đầu dòng; còn phòng NN&PTNT, phòng kinh tế ở các địa phương quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn.
Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng cây giống, nhất là vườn cây giống đầu dòng được tiêu hủy trong thời hạn 3 năm, thậm chí có cơ sở mới 2 năm đã tự tiêu hủy cây đầu dòng trước thời hạn để sản xuất cây giống đạt chất lượng cao cung cấp thị trường. Ngoài ra, tỉnh ta có 3 DN sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô ứng dụng KHKT hiện đại, sản xuất hơn 20 triệu cây/năm.
Nhưng hiện vẫn còn tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp quy mô nhỏ lẻ chưa đăng ký kinh doanh nên việc quản lý gặp khó khăn?
Như tôi đã nói, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp quy mô nhỏ lẻ chưa đăng ký kinh doanh do phòng NN&PTNT, phòng kinh tế ở các địa phương quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nguồn vật liệu giống, kỹ thuật sản xuất, chất lượng cây giống và ảnh hưởng đến môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, phá bỏ vườn cây đầu dòng chưa được chứng nhận.
Tuy vậy, việc xử phạt các cơ sở này gặp nhiều khó khăn, như họ tự ươm giống để trồng rừng, hoặc mua giống các nơi khác về ươm để trồng, khó phát hiện xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh cây giống, bởi theo quy định phải chứng minh được số cây giống bán ra được bao nhiêu tiền. Do đó, ngành chức năng chủ yếu kiểm tra thường xuyên, ký cam kết để các cơ sở này tuân thủ đúng quy định. Đồng thời tuyên truyền để người trồng rừng nâng cao nhận thức trong việc chọn mua giống cây lâm nghiệp đã được chứng nhận chất lượng để sử dụng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.
Ngành Kiểm lâm tỉnh kiểm tra sản xuất cây giống tại Công ty TNHH Hoa Đôn (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Được biết, ngày 15.5.2021 tới đây, Nghị định 27/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực quy định về quản lý giống cây lâm nghiệp chặt chẽ theo chuỗi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống. Ngành Kiểm lâm đã có kế hoạch gì để thực hiện quy định mới này?
- Nghị định 27/2021/NĐ-CP có hiệu lực sẽ bãi bỏ một số điều, khoản quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Nghị định 27/2021/ NĐ-CP có những quy định mới về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, đặc biệt, quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính, khuyến khích thực hiện đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp.
Nghị định 27/2021/NĐ-CP mới ban hành, cần độ trễ thời gian để thực hiện, Chi cục sẽ có kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trong tỉnh nắm rõ quy định mới; tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh ban hành văn bản để triển khai thực hiện các quy định như khuyến khích xã hội hóa hoạt động liên quan đến giống cây trồng lâm nghiệp, công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)