TRƯỜNG ĐH QUY NHƠN MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO KHOA HỌC DỮ LIỆU:
Đào tạo có địa chỉ, sát nhu cầu thực tế
Từ năm học 2020 - 2021, lần đầu tiên Trường ĐH Quy Nhơn mở chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu. Chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, gắn kết với DN, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu tại địa phương, trong và ngoài nước.
Cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo sự lên ngôi của ngành khoa học dữ liệu. Chỉ riêng tại Bình Định, nhu cầu nhân lực công nghệ cao, đặc biệt nhân lực ngành khoa học dữ liệu phục vụ chuyển đổi số đang tăng lên nhanh chóng từ khi có sự hình thành của Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa và Khu đô thị Long Vân, nơi quy tụ nhiều DN công nghệ lớn như: Công ty TNHH Phần mềm FPT Quy Nhơn (FPT), Công ty TMA Solutions Bình Định (TMA), Công ty CP Fujinet Systems. Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính đến năm 2025, các công ty cần ít nhất 3.000 kỹ sư công nghệ.
Để đáp ứng nhu cầu từ năm 2019, Trường ĐH Quy Nhơn đã linh hoạt mở và tuyển sinh đại học ngành Khoa học dữ liệu. Đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược chuyển hướng đào tạo có địa chỉ, gắn với nhu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu tuyển dụng của DN mà Trường nỗ lực thực hiện trong mấy năm gần đây. “Thực tế, nguồn lao động ở địa phương khá dồi dào song, phần lớn còn hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và thực hành. Để sử dụng DN buộc phải đào tạo lại vừa mất thời gian vừa tốn kém. Việc Trường ĐH Quy Nhơn mở ngành Khoa học dữ liệu là một bước đi đúng đắn, phù hợp nhu cầu thực tế”, ông Vũ Văn Đông, Giám đốc FPT chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu, từ năm 2019, Trường ĐH Quy Nhơn đã linh hoạt mở và tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu. Ảnh: QNU
Chương trình đào tạo chuyên ngành khoa học dữ liệu (đại học và thạc sĩ) được Trường mở theo thỏa thuận hợp tác với Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Tập đoàn Vingroup). Với sự hỗ trợ của Quỹ VinIF, ngoài việc được cấp học bổng sinh viên ngành khoa học dữ liệu còn có nhiều cơ hội được học, làm luận văn, đồ án dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực khoa học dữ liệu. Điểm nổi bật là chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng ứng dụng, gắn với thực tiễn, có sự tham gia sâu của TMA, FPT - từ giảng dạy đến thực tập, làm khóa luận, đồ án tốt nghiệp. Học viên từ cuối năm 1 đã có cơ hội được thực tập và ký hợp đồng làm việc bán thời gian tại TMA; làm đồ án môn học, thực tập, làm đồ án tốt nghiệp từ cuối năm 2 tại cả hai công ty. Ngoài ra, các công ty còn cử chuyên gia giảng dạy một số bộ môn nhằm giúp học viên hình dung rõ hơn về việc vận dụng lý thuyết vào giải quyết các bài toán thực tế. Hiện, cả 2 công ty TMA và FPT đã ký cam kết tuyển dụng sinh viên, học viên tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học dữ liệu của Trường ĐH Quy Nhơn.
Trường ĐH Quy Nhơn được biết đến là một trung tâm đào tạo Toán học ở miền Trung. Khoa Toán vàThống kê của trường cũng được Bộ GD&ĐT đầu tư, hỗ trợ phát triển trở thành một trong ba trung tâm Toán học mạnh của cả nước. Sự tham gia giảng dạy của các giảng viên có kinh nghiệm, sự hướng dẫn nghiên cứu khoa học từ các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới sẽ là nền tảng then chốt để trường phát triển ngành khoa học dữ liệu. PGS.TS Lê Công Trình, Trưởng khoa Toán và Thống kê, Trường ĐH Quy Nhơn chia sẻ: “Mục tiêu của trường là tìm tiếng nói chung với DN để cải thiện chất lượng nhân lực, nhất là nhân lực ngành khoa học dữ liệu cũng như rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của DN”.
Mô hình gắn kết giữa trường đại học với DN giúp trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực có năng lực làm việc thực sự, đáp ứng trực tiếp yêu cầu công việc của DN. Với DN, mối liên kết này giúp tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng ổn định, tiết kiệm được thời gian và chi phí đào tạo lại. Theo bà Lâm Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Hành chính và Đào tạo của TMA: Nguồn nhân lực được đào tạo tại chỗ sẽ gắn bó với DN lâu dài hơn. DN cũng có cơ hội sàng lọc, tìm kiếm được nhiều nhân tài, từ đó giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh.
HỒNG HÀ