Ưu tiên cho đầu tư công lĩnh vực then chốt
Vốn đầu tư công sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, những dự án quan trọng, công trình trọng yếu... tạo “cú hích” cho phát triển KT-XH giai đoạn 5 năm (2021 - 2025).
Ông NGUYỄN THÀNH HẢI
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải về kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai.
Với quan điểm đầu tư có trọng tâm, sát nhu cầu thực tế, Bình Định đã phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 như thế nào, thưa ông?
- Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh hơn 17.595 tỷ đồng. Nhờ số vốn này, tỉnh ta đã đầu tư tập trung, hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, tạo động lực lan tỏa phát triển KT-XH, đặc biệt các công trình giao thông, như: Nâng cấp QL 1D; nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư; QL 19 mới (từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL 1); đường phía Tây tỉnh ĐT 638 (Canh Vinh - Quy Nhơn); đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội kéo dài đến QL 1; mở rộng đường vào sân bay Phù Cát (từ QL 1 đến sân bay Phù Cát)… Ở lĩnh vực nông nghiệp tập trung đầu tư nâng cấp 21 hồ, đập; đập ngăn mặn trên sông Lại Giang; kênh tưới Thượng Sơn; kè hạ lưu sông Hà Thanh, sông Côn; các tiểu dự án của dự án phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung; dự án vệ sinh môi trường bền vững TP Quy Nhơn (giai đoạn 1); các dự án tái thiết sau thiên tai…
Trong đầu tư hạ tầng y tế, GD&ĐT, ý nghĩa xã hội rất lớn khi chúng ta giải được “bài toán” quá tải bệnh nhân khi đầu tư mới TTYT TX Hoài Nhơn, BVĐK khu vực Bồng Sơn, nâng cấp mở rộng một số hạng mục BVĐK tỉnh; nâng cấp Trường THPT chuyên Chu Văn An, Trường THPT Ngô Lê Tân, Trường CĐ Bình Định, cơ bản hoàn thành xây dựng kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, hải đảo giai đoạn 2017 - 2020…
Trong bối cảnh tổng mức đầu tư phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho tỉnh không tăng nhiều, việc phân bổ kế hoạch vốn tập trung ưu tiên nào?
- Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định dự kiến xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn tăng từ 10% - 15% so với giai đoạn trước. Có thể nói, bối cảnh khó khăn hiện nay tổng mức đầu tư có thể tăng nhưng sẽ không được nhiều. Việc xây dựng các kế hoạch không chỉbám sát nhu cầu mà còn phải thực tế, tập trung vào những hạ tầng quan trọng, then chốt là “cú hích” phát triển KT-XH của tỉnh, mở đầu cho giai đoạn 5 năm tới.
Vốn đầu tư công 2021 - 2025 tiếp tục đầu tư cho dự án trọng điểm tuyến đường ven biển của tỉnh. Ảnh: TIẾN SỸ
Ưu tiên hàng đầu bố trí vốn đầu tư lớn để hoàn thiện mạch máu giao thông, đặc biệt tuyến đường ven biển trọng điểm của tỉnh, các tuyến kết nối trục Đông - Tây, nhằm khơi thông và tạo sự phát triển đồng bộ, xuyên suốt, phát huy toàn diện các lợi thế về vị trí địa lý góp phần phát triển mạnh mẽ KT-XH của tỉnh. Lĩnh vực NN&PTNT đẩy mạnh hoàn thiện các dự án trọng điểm như: Đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn), đập dâng Hà Thanh 1 (huyện Vân Canh). Hạ tầng kỹ thuật ưu tiên thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn). Về lĩnh vực y tế, tiếp tục với đầu tư phần mở rộng cho BVĐK khu vực Bồng Sơn. Trong khi đó, GD&ĐT sẽ ưu tiên đầu tư, xây dựng các trường THPT được di chuyển, sắp xếp lại theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Đây là những nhiệm vụ lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế; do đó, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công 2021 - 2025 phải tính toán trọng tâm, trọng điểm.
Vậy, việc phân bổ vốn dựa trên nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn nào?
- Hiện, Sở KH&ĐT đang phối hợp các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện rà soát nhu cầu vốn chi tiết cho kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ, trình HĐND tỉnh sắp tới thông qua để làm cơ sở thực hiện.
Theo đó, từng ngành, lĩnh vực, chương trình, việc bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên: Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có); phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư, dự án chuyển tiếp, dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư; cuối cùng mới phân bổ vốn dự án khởi công mới.
Việc lựa chọn danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư cũng phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Luật Đầu tư công; các dự án mới bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.
Xin cảm ơn ông!
*Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm KT-XH quý II/2021 giữa tháng 4.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu Sở KH&ĐT khẩn trương hoàn thành xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo công khai, minh bạch và phải đầu tư được nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm mang lại hiệu quả tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh 5 năm tới. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư tập trung, không dàn trải; UBND huyện, thị xã, thành phố phải bố trí nguồn lực đầu tư cho dự án, công trình trên địa bàn.
*Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh hơn 17.595 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn chủ yếu tập trung bố trí cho các nhiệm vụ, dự án hơn 11.048 tỷ đồng (chiếm 62,8%) để ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển GTVT, NN&PTNT, hạ tầng kỹ thuật… Cụ thể, lĩnh vực GTVT được bố trí vốn hơn 4.916 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 44,5%; NN&PTNT hơn 1.035 tỷ đồng (9,37%) - lĩnh vực này chủ yếu sử dụng vốn ODA để thực hiện, trong giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ODA bố trí thêm 1.773 tỷ đồng, nâng tổng mức bố trí lên hơn 2.808 tỷ đồng, đạt 25,42%; lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật được bố trí hơn 1.848 tỷ đồng (16,73%). Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, GD&ĐT với việc kết hợp giữa nguồn vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu dạy học, khám chữa bệnh người dân.
MAI HOÀNG (Thực hiện)