Không để ngư dân thiệt thòi
Tình trạng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định khi hoạt động trên biển mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS) đến nay vẫn là câu chuyện khiến ngành Thủy sản cũng như ngư dân phải “đau đầu”. Song, ngư dân là những người lo lắng nhất, bởi theo quy định tàu cá khi hoạt động trên biển phải duy trì thiết bị VMS liên tục 24/24 giờ để đảm bảo nhắn tin về bờ với tần suất 2 giờ/tin (với tàu có chiều dài từ 24 m trở lên) và 3 giờ/tin nhắn (với tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m); trong một chuyến biển kéo dài từ 20 - 25 ngày, nếu tàu cá nào nhắn thiếu tin hoặc mất tín hiệu VMS từ 10 ngày trở lên sẽ bị cắt chế độ hỗ trợ nhiên liệu, thậm chí bị xử phạt theo quy định.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, ngành Thủy sản tỉnh hiện mới chỉ đưa ra nhận định chung chung, như: Phần mềm quản lý hệ thống giám sát tàu cá giữa Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) và các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình chưa đồng bộ; thiết bị giám sát hành trình của một số đơn vị cung cấp, lắp đặt thường xuyên xảy ra tình trạng sóng chập chờn nên mất tín hiệu kết nối; nhiều chủ tàu, thuyền trưởng tắt máy giám sát hành trình để giảm tiêu hao nguồn điện bình ắc quy trên tàu, chưa thành thạo các thao tác sử dụng thiết bị VMS…
Từ ngày 20 - 22.3.2021 hàng nghìn tàu cá Bình Định sử dụng thiết bị VMS do Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT - cung cấp đều không nhắn được tin, hoặc tin nhắn chập chờn không đảm bảo đủ tin. Nguyên nhân được xác định là do sự cố kỹ thuật vệ tinh.
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, cho ý kiến xác nhận việc tàu cá Bình Định sử dụng thiết bị VMS của Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT bị gián đoạn tin nhắn kể trên là do sự cố kỹ thuật vệ tinh của VNPT. Xác nhận của Bộ NN&PTNT là cơ sở để tỉnh hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân theo quy định. Hy vọng những trục trặc kỹ thuật khác sẽ mau chóng có kết luận cuối cùng để những ngư dân làm đúng có thể yên tâm vươn khơi, đồng thời sẽ răn đe được những ngư dân cố ý làm trái.
ĐOAN NGỌC