QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ:
Nâng cao nhận thức, chuyển biến tích cực
Bình Định hiện có hơn 158 nghìn ha rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và rừng cảnh quan; đã triển khai nhiều mô hình khoán cho hộ dân, cộng đồng dân cư bảo vệ rừng phòng hộ.
Địa phương đi đầu trong việc khoán bảo vệ rừng phòng hộ là huyện Vĩnh Thạnh với hơn 30.000 ha cho cộng đồng dân cư ở 8 xã, thị trấn của huyện quản lý, bảo vệ. Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Với đặc thù là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, giáp ranh nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nên việc chuyển từ mô hình khoán bảo vệ rừng cho hộ dân sang khoán cho cộng đồng dân cư bảo vệ đã tăng hiệu quả hơn trước, do có sự tham gia của cả thôn, làng, hộ dân. Tháng 3.2021, đơn vị thành lập thêm lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng với 45 thành viên, được trang bị thiết bị, công cụ hỗ trợ, huấn luyện các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng”.
Rừng phi lao ven biển ở huyện Phù Mỹ được quản lý, bảo vệ tốt góp phần chống sóng biển xâm thực, ngăn cát bay.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ cũng khoán cho hộ dân các xã ven biển quản lý, bảo vệ hơn 700 ha rừng phi lao. Anh Trần Đình Thảo, ở thôn Chánh Giáo, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), bộc bạch: “Tôi nhận khoán bảo vệ 20 ha rừng phi lao ven biển. Hằng ngày, tôi cùng các hộ nhận khoán thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng phi lao; mỗi năm tổ chức hai đợt phát đường ranh cản lửa. Được nhận khoán bảo vệ rừng, chúng tôi vừa có việc làm, vừa có thêm thu nhập”.
Tỉnh ta còn chú trọng bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại đầm Thị Nại, Đề Gi. Từ năm 2011 đến nay, cả tỉnh trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn 88 ha rừng ngập mặn. Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở NN&PTNT), cho biết: “Đến nay, có hơn 77 ha rừng ngập mặn đã thành rừng được khoán cho người dân ven đầm Thị Nại, Đề Gi bảo vệ với mức khoán 200 nghìn đồng/ha/hộ/năm; diện tích rừng còn lại đang được chăm sóc, đến năm thứ 5 sẽ khoán cho hộ dân bảo vệ”.
Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) Huỳnh Ngọc Bảo, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng để làm cơ sở quy hoạch diện tích các loại rừng để thực hiện các chính sách khoán quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Bài, ảnh: ÐOAN NGỌC