Góp phần quản lý xã hội, xây dựng đời sống văn hóa
Thời gian qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong các thôn, làng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Hương ước, quy ước đã phát huy vai trò “cầu nối” đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần quản lý xã hội và xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư.
Hương ước, quy ước (gọi chung là hương ước) được hiểu là một hình thức “lệ làng” mang tính cộng đồng, trong đó, quy định các nguyên tắc ứng xử do cộng đồng dân cư thỏa thuận đặt ra, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp để điều chỉnh những quan hệ, tình huống phát sinh mà pháp luật chưa điều chỉnh.
Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh kiểm tra công tác xây dựng, thực hiện hương ước tại Hoài Nhơn năm 2020. Ảnh: CẨM THI
Hỗ trợ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.114 bản hương ước được UBND cấp huyện công nhận. Hầu hết hương ước được xây dựng gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nội dung hương ước thiết thực, cụ thể, gần gũi với đời sống nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đó là việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các vấn đề về ANTT; khuyến học, khuyến tài; chính sách dân số - KHHGĐ; xây dựng gia đình văn hóa; bảo vệ môi trường; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; phòng, chống các tệ nạn xã hội… Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, toàn bộ hương ước trên địa bàn tỉnh đều được rà soát, điều chỉnh để đảm bảo thống nhất với pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhất là trong điều kiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phù Mỹ cho biết, hằng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đưa việc xây dựng, thực hiện hương ước vào tiêu chí thi đua, khen thưởng, bình xét gia đình văn hóa và được các xã, thị trấn cũng như người dân tích cực hưởng ứng. Việc thực hiện hương ước đã hình thành ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư. Đơn cử như việc tang, việc cưới ở địa phương được tổ chức tiết kiệm, văn minh. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhiều thôn, xã đã xây dựng được các mô hình như: “Không có cặp vợ chồng sinh con thứ 3”, “Dòng họ hiếu học”, “Thắp sáng đường quê”, “Xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”… đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa trong xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa.
Góp phần quản lý xã hội
Đối với các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò và hiệu quả của hương ước càng được xem trọng, phát huy. Tại An Lão, Chủ tịch UBND huyện Trương Tứ khẳng định: Mọi hương ước của thôn, làng, khu phố trên địa bàn huyện đều được đưa ra cho dân bàn, khi nào dân nói được thì mới thông qua. Vì vậy, sau khi được công nhận, hương ước như “bộ quy tắc” để mọi người cùng thực hiện. Ai làm tốt sẽ được biểu dương, ai thực hiện không đúng thì bị phê bình trước dân. Thực tế tại huyện những năm gần đây cho thấy, hương ước đã góp phần đắc lực trong loại bỏ được các phong tục lạc hậu (ma chay, cưới hỏi, dân số…); thúc đẩy công tác xã hội hóa (xây dựng đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng, cảnh quan nông thôn mới…); nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện.
Bên cạnh hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tác dụng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần quản lý xã hội của hương ước cũng đã được khẳng định qua thực tế tại nhiều địa phương. Điển hình như tại làng Kà Bông, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, 4 năm liền không vi phạm về tảo hôn, phần lớn nhờ đưa vào hương ước.
Theo đó, từ năm 2017 cùng với việc triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” tại địa phương, trong số nhiều giải pháp, làng Kà Bông đã bổ sung vào hương ước quy định “cấm và không thừa nhận tảo hôn”. Cụ thể,“lệ làng”sẽ phạt 1,5 triệu đồng/người/năm cho đến khi đủ tuổi nếu vi phạm tảo hôn Hương ước làng Kà Bông cấm cán bộ, đảng viên tham gia tổ chức hôn lễ, tham dự những đám cưới tảo hôn và kêu gọi đồng bào cũng thể hiện sự phản đối, không thừa nhận thông qua việc không tham dự. “Tại làng, hôn nhân cận huyết thống đã được xóa bỏ từ lâu nhưng tảo hôn, tầm 4 năm về trước thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra. Nhờ tập trung, đoàn kết thực hiện bằng nhiều giải pháp mà tình trạng đến nay đã cải thiện rõ rệt, đồng bào rất phấn khởi với thành tích này và chung quyết tâm phát huy để đẩy lùi hẳn những tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh”, Trưởng làng Kà Bông Đinh Văn Tâm chia sẻ.
SAO LY - CẨM THI