Tuy Phước:
Nồng ấm mùa xuân cho người nghèo
Trận lũ lịch sử giữa tháng 11 vừa qua đã làm cho số đông người dân huyện Tuy Phước lao đao. Thế nhưng được sự giúp đỡ của Nhà nước, sự chung tay chia sẻ của các cấp, các ngành, cùng nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, người dân Tuy Phước đang đón chào một mùa xuân nồng ấm.
Càng gần đến Tết, không khí xuân đang tràn ngập vùng quê mà cách đây không lâu là biển nước mênh mông. Toàn huyện có 4 người chết, với 199 ngôi nhà bị sập, tổng thiệt hại về tài sản 137 tỉ đồng là những mất mát quá lớn. Để giúp dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, Trung ương, tỉnh kịp thời hỗ trợ 600 tấn gạo, 390 tấn thóc giống; 114 tổ chức cá nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm cùng “tương thân, tương ái” ủng hộ tiền, hàng trị giá hơn 19 tỉ đồng. Các hộ có nhà bị lũ cuốn được nhận tiền hỗ trợ nhà nước 20 triệu đồng, ngoài ra còn nhận được sự hỗ trợ khác của chính quyền và đoàn thể huyện xây dựng lại nhà mới kịp đón xuân, vui Tết. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, hộ nghèo thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng, vừa cất lại nhà mới (khoảng 30 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ), bộc bạch: “Nhờ tiền hỗ trợ nhà sập và các nhà hảo tâm cho tui xây được căn nhà mới vững vàng hơn, cấp mỗi khẩu 3 tháng gạo ăn và nhận tiền Tết cho người nghèo, nên 3 mẹ con tui yên tâm ăn Tết ”.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Tuy Phước, cho biết: Chủ tịch nước đã tặng 3.250 suất quà Tết cho các đối tượng chính sách, với số tiền 663,6 triệu đồng. Ngoài ra, huyện cũng đã đi kiểm tra, trích quỹ hỗ trợ thiên tai 135 triệu đồng thăm chúc Tết và trao tặng 199 suất quà Tết cho hộ có nhà sập do lũ. Tặng 260 suất quà Tết cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất trị giá từ 100 - 200 ngàn đồng, trích từ quỹ bảo trợ trẻ em và nguồn đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, huyện Tuy Phước còn triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng xuân trên địa bàn huyện, các lễ, hội truyền thống của địa phương (Hội Chợ Gò ngày mùng Một, đua thuyền trên sông Gò Bồi ngày mùng Hai, Lễ hội Đô thị Nước Mặn…) trong dịp đón Tết cổ truyền. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng được tổ chức ở các xã, thị trấn, như: Chương trình văn nghệ, hát tuồng, hội hoa xuân, các trò chơi dân gian truyền thống, đánh bài chòi, chơi lô tô …
Đón một mùa xuân mới dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng người dân vùng rốn lũ Tuy Phước biết phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tương thân ái trợ, vượt mọi khó khăn để vui Tết an toàn, tiết kiệm.
XUÂN THỨC