Người dân không còn tâm lý mua hàng tích trữ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ truyền thống của Thủ đô Hà Nội có chiều hướng tăng nhẹ. Trong khi đó, tại các siêu thị, hàng hóa lại dồi dào, giá cả không tăng so với trước kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5.
Chợ Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội những ngày này, hoạt động giao thương không tấp nập như những ngày cuối tháng 4. Mặc dù vậy, giá một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, rau củ quả có chiều hướng tăng nhẹ.
Chị Hoa, người bán rau ở chợ Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội lý giải về việc tăng giá này: “Rau vẫn có nhưng số lượng ít nên giá tăng lên”.
Tại các siêu thị, hàng hóa lại dồi dào, giá cả không tăng so với trước kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5
Những người bán hàng cho biết, việc tăng giá không phải là phổ biến, bởi nguồn cung lương thực, thực phẩm cho Thủ đô Hà Nội là rất nhiều. Tại các siêu thị, giá cả các mặt hàng hầu như không tăng. Giá thịt lợn đùi, vai hiện được bán từ 130-135.000 đồng/kg, sườn, ba chỉ khoảng 140.000 đồng/kg. Cà rốt 13.000 đồng/kg, su hào 9.000 đồng/kg, cải ngọt 13.000 đồng/kg…
“Tôi thấy giá cả không cao lắm, chấp nhận được vì so sánh với ngoài chợ thì hàng trong siêu thị được sàng lọc, kiểm tra kỹ lưỡng. Giá có thay đổi theo từng thời điểm, buổi sáng có thể cao hơn một chút, buổi chiều lại rẻ hơn một chút”, chị Nguyễn Thị Lê, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.
Không chỉ các trung tâm thương mại lớn, tại các cửa hàng tiện ích, tạp hóa... số lượng hàng cũng được chuẩn bị đầy đủ. Hiện nay, mặc dù Hà Nội thực hiện các biện pháp hạn chế tập trung đông người và cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch, nhưng sau hơn 1 năm ứng phó với dịch bệnh, người dân tại Thủ đô đã không còn tâm lý mua hàng tích trữ như trước đây.
“Ở đây các mặt hàng thiết yếu như gạo, nước mắm, mì tôm và rau củ quả được khách hàng mua rất nhiều. Siêu thị luôn ổn định giá cả, không có chuyện tăng giá mùa dịch”, chị Trần Thị Minh, nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở Hà Nội cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ cho biết, do thu nhập của người dân giảm sút, cắt giảm chi tiêu nên các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu và hàng bình dân, giảm các nhóm hàng nhập khẩu có giá cao. Để nâng cao sức cạnh canh, các đơn vị phân phối hàng hóa cũng áp dụng giảm giá, đồng thời đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân.
“Kịch bản về dịch bệnh thì đã được chúng tôi chuẩn bị từ rất lâu. Chúng tôi đã làm việc với các đối tác và nguồn cung ứng từ trước nên luôn đảm bảo bình ổn giá để phục vụ người tiêu dùng”, chị Trần Thủy Hương, Phòng Marketing, hệ thống CoopFood miền Bắc cho biết.
Theo quan sát của phóng viên, tại các siêu thị, các điểm bán lẻ của Thủ đô Hà Nội, nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là sau khi các ngành chức năng xử phạt một số trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, ý thức của người dân đã được nâng cao hơn.
“Đến đây mình phải đeo khẩu trang. Đến khi ra quầy thanh toán thì cố gắng giữ khoảng cách với người đi trước, mình xếp hàng chờ”, chị Nguyễn Thị Bích, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Với sự chủ động các giải pháp bình ổn thị trường, Hà Nội đang được đánh giá là một trong những địa phương kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.
Theo Thành Trung (VOV1)