Bidiphar trong cuộc chiến ngành dược và dịch Covid-19: Trong nguy có cơ
Sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gia tăng cộng thêm cú sốc dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dược. Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Ðịnh (Bidiphar) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, DN này đã có những giải pháp căn cơ dựa trên thế mạnh của mình.
Trụ vững trong đại dịch
Trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu sản xuất dược phẩm nhập khẩu từ nước ngoài bị thiếu hụt, một số loại nguyên liệu tăng giá, chậm cung ứng và thiếu hàng, làm gia tăng chi phí sản xuất, đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Bidiphar. Dịch Covid-19 cũng hạn chế sự di chuyển của các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam nên việc lắp đặt, thẩm định vận hành nhà máy công nghệ cao sản xuất thuốc điều trị ung thư Bidiphar đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội bị gián đoạn.
Dây chuyền sản xuất thuốc tự động, khép kín của Bidiphar.
Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính sách nhà nước cũng tác động khá lớn đến việc triển khai hoạt động bán hàng kênh điều trị khi cạnh tranh giá đấu thầu thuốc ngày càng gay gắt, phân mảnh thị phần với sự tham gia của hơn 200 DN trong nước có dây chuyền sản xuất đạt GMP-WHO. Hoạt động bán hàng ở kênh nhà thuốc cũng gặp nhiều khó khăn bởi chính sách thắt chặt việc bán thuốc kháng sinh ở kênh bán lẻ, trong khi đây là thế mạnh của Bidiphar.
Tổng Giám đốc Bidiphar, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Trong bối cảnh đó, Bidiphar tiếp tục chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới. Chúng tôi có 36 sản phẩm hoàn thành nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký lên Bộ Y tế; tiếp tục cải tiến chất lượng 26 sản phẩm; nghiên cứu tương đương sinh học cho 5 sản phẩm. Đặc biệt, Bidiphar về đích 2 dự án nghiên cứu cấp nhà nước về dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư và dự án hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc viên Indapamid 1,5 mg và Felodipin 5 mg giải phóng kéo dài. Nguồn doanh thu chính của Bidiphar là hoạt động sản xuất và kinh doanh dược phẩm, chiếm khoảng 92% tổng doanh thu; trong đó chủ lực là các dòng thuốc kháng sinh và thuốc điều trị ung thư, chiếm 56% doanh thu dược phẩm.
Bidiphar còn tận dụng lợi thế sản phẩm sẵn có, tập trung tổ chức sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 thiết yếu như nước sát khuẩn tay, cồn 700, nước muối súc miệng, các loại thuốc hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể và sản phẩm vật tư thiết bị y tế, đảm bảo cung ứng kịp thời thị trường. Bộ sản phẩm này ngay lập tức đã được đưa tới nhiều cơ quan, DN, hệ thống cửa hàng trong suốt mùa dịch.
Biến khó khăn thành động lực
Theo ông Nguyễn Văn Quá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bidiphar, trong bối cảnh dịch Covid-19, tổng doanh thu năm 2020 của Bidiphar vẫn đạt gần 1.330 tỷ đồng, tăng 0,7% so với năm trước, hoàn thành 95% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm vừa rồi đạt 39,1% - mức cao nhất kể từ năm 2016, nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động. Biên lợi nhuận gộp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 35%, chỉ đứng sau DN đầu ngành như: Traphaco, Pymepharco, Dược Hậu Giang.
Bidiphar xây dựng vùng trồng dược liệu tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã An Toàn (An Lão).
Bidiphar xác định thế mạnh chủ lực là dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư khi trở thành DN nội địa đầu tiên được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho phép sản xuất và hiện đã cung ứng cho trên 50 bệnh viện điều trị ung bướu, BVĐK tỉnh. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, các chính sách nhà nước, nhất là chính sách đấu thầu vào bệnh viện thiếu ổn định và thường xuyên thay đổi. Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương làm gia tăng áp lực cạnh tranh của các ngành khi sản phẩm giá thấp của Ấn Độ, Trung Quốc được giảm thuế từ đó thu hút người tiêu dùng hơn. Hầu hết nguyên vật liệu trong ngành dược đều được nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu... phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu.
Phó Tổng Giám đốc Bidiphar Nguyễn Thanh Giang nhấn mạnh: “Năm 2021, Bidiphar hoàn thiện nhà máy công nghệ cao sản xuất thuốc điều trị ung thư; đồng thời đưa vào đầu tư dự án dược liệu tại xã An Toàn (An Lão). Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất; tập trung nguồn nhân lực nghiên cứu sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đặc trưng định vị thương hiệu… Đồng thời, chuyển dịch mô hình kinh doanh, mở rộng kênh phân phối để đến gần hơn người tiêu dùng. Chúng tôi xây dựng, phát triển công tác quản trị và số hóa các quá trình sản xuất kinh doanh, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu khách hàng và tăng độ phủ lên 15.000 khách hàng”.
MAI HOÀNG