Chuyện từ hai phiên tòa
Nguyên đơn Bùi Văn Hà và bị đơn Nguyễn Huỳnh Thanh (cùng huyện Vĩnh Thạnh) đang ở tại tòa án để giải quyết vụ việc dân sự về “Đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại”. Song thay vì tuân thủ các quy định tại phiên tòa dưới sự điều hành của chủ tọa, cả 2 đã gây ra ẩu đả làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của chốn công đường.
Cụ thể, trong lúc Hà và Thanh đang đợi thư ký tòa lập biên bản làm việc và mặc dù đã được chủ tọa nhắc nhở phải tuân thủ nội quy phiên họp, chấp hành sự điều hành của thẩm phán; nhưng bất chấp, bị cáo Thanh đã có hành động chỉ tay và dùng lời lẽ xúc phạm đến bị cáo Hà nhiều lần, dẫn đến bị cáo Hà không giữ được bình tĩnh đã dùng micro đánh lại Thanh, làm náo loạn phòng xử.
Mặc dù Thanh bị thương tích nhưng hành vi của 2 bị cáo Hà và Thanh đã phạm tội “Gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp” quy định tại khoản 1 Điều 391 Bộ luật hình sự. Thế là trong khi việc về dân sự chưa giải quyết xong thì cả 2 bị cáo Hà, Thanh lại tiếp tục đối mặt với một phiên tòa khác do có hành vi vi phạm pháp luật là xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Đây cũng chính là căn nguyên mà mới đây Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh đã thống nhất tuyên phạt mức án 4 năm tù giam đối với bị cáo Lê Văn Hải (SN 1966, TP Quy Nhơn) phạm tội“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, bị cáo Hải đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. “Bị cáo biết việc lợi dụng quyền ngôn luận của mình để xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác và tổ chức là sai trái. Bị cáo rất ân hận, nên nhân đây, bị cáo gửi lời xin lỗi đến các tổ chức, cá nhân mà bị cáo đã từng xúc phạm trước đó và cũng mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”. Hải nói.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không chỉ phân tích hành vi sai trái của bị cáo Hải, mà còn nêu rõ Điều 25 của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Theo quy định của Hiến pháp, “Quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, làm lộ bí mật quốc gia, xâm hại quyền tự do của người khác. “Bị cáo Hải có nhân thân tốt, lại tuổi cao song hành vi của bị cáo là gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến lĩnh vực trật tự quản lý hành chính và quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến ANTT xã hội nên vẫn phải cách ly khỏi xã hội một thời gian”, chủ tọa phiên tòa phân tích.
Bài, ảnh: KIỀU ANH