Ra đảo khai thác yến
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp được bám theo Tổ Giám sát hoạt động quản lý, khai thác yến sào Bình Định (trực thuộc Sở NN&PTNT) đến các hang yến trên bán đảo Phương Mai. Có “mục sở thị” việc khai thác những “mỏ vàng trắng” cheo leo trên vách đá trong hang tối mới cảm nhận sự công phu, khéo léo của những người làm nghề này.
“Hái” tổ yến trên vách đá
Vượt gần 20 km đường biển trong hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi lần lượt cập vào các hang yến. Dù biển khá êm nhưng để vào bên trong những hang yến cheo leo, hiểm trở, nhóm khai thác luôn phải loay hoay một hồi lâu. Để “hái” tổ yến, đòi hỏi cơ thể người thợ phải thật sự dẻo dai, đầy kinh nghiệm và cả lòng dũng cảm. Tùy địa hình từng hang mà thiết kế giàn cho phù hợp để vừa an toàn cho bản thân và giữ nguyên vẹn tổ yến. Nhóm sử dụng những đoạn tre dài, to cùng những sợi mây núi mềm, dẻo, chắc chắn để làm những giàn giáo mà leo lên. Tại hang Đôi Trong ở xã Nhơn Lý, do lòng hang khá hẹp nên họ dùng những đoạn tre cứng cáp chống vào hai vách hang làm đà ngang, sau đó lần lượt đưa những thanh tre dài từ dưới lên làm thành những đà dọc để theo đó lần lên các vách đá tiếp cận tổ yến.
Những người thợ khai thác làm giàn giáo bằng tre để leo lên, bám vào vách đá “hái” tổ yến.
Nhìn gần 20 người thợ đứng trên giàn giáo bằng tre cách mặt nước biển hàng chục mét hối hả thu lượm tổ yến - tôi thoáng rùng mình. Chừng như hiểu được cảm giác ấy trong tôi, ông Nguyễn Công Bình - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, trò chuyện: Trông giàn giáo vắt vẻo vậy mà chắc chắn lắm đấy, bởi chúng đã được những người thợ nhiều năm kinh nghiệm làm theo một quy trình kỹ thuật rất chặt chẽ, chính xác. Anh Nguyễn Sĩ Hùng, quê tỉnh Thanh Hóa có hơn 15 năm trong nghề đứng gần bên cũng quay sang góp chuyện: Ý thức được hiểm nguy thường trực chực chờ trong quá trình làm nghề nên mỗi người thợ khai thác tổ yến đều nỗ lực thực hiện đúng những quy định về an toàn lao động, đồng thời hỗ trợ tích cực cho đồng nghiệp.
Sau gần một tiếng đồng hồ đeo bám các vách đá cheo leo, gần 20 người thợ từ trên cao nhanh chóng di chuyển xuống dưới, trên cổ mỗi người lủng lẳng những túi vải đựng yến căng đầy. Họ nộp lại túi vải rồi hợp sức cùng những người thợ khác thực hiện việc xả giàn giáo. Những đoạn tre được tháo rời, một số chất lên tàu, số còn lại được những người thợ kéo trên mặt nước qua hang yến khác để lắp giàn, khai thác tiếp.
“Anh em trong nhóm khai thác đều có nhiều năm kinh nghiệm nên luôn kiểm tra tổ kỹ lưỡng trước khi khai thác. Nhờ vậy đã hạn chế tối đa tình trạng tổ bị vỡ, rách, mất chân, tổ bị ướt hay đọng nước bên trong, đảm bảo chất lượng tổ yến sau khai thác; đồng thời giữ nguyên hiện trạng địa hình”, ông Nguyễn Công Bình cho biết.
Đất lành chim đậu
Một mùa khai thác yến trên bán đảo Phương Mai diễn ra bình quân từ 7 - 10 ngày trong không khí hết sức khẩn trương nhưng cẩn trọng và hiệu quả. Nguồn gốc địa hóa, thành phần hóa học và khoáng vật phong phú tại những vách đá cheo leo hiểm trở là nền tảng làm phong phú nguyên tố đa vi lượng trong tổ yến, tạo ra giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao và mùi vị đặc trưng của tổ yến trên bán đảo Phương Mai. Theo đó, tổ yến có nhiều màu sắc như đỏ tươi, da cam, trắng ngà (yến quan), màu tối hơn yến quan (yến thiên), tím đậm hoặc nhạt (yến tím). Ngoài ra, tại bán đảo còn có loại tổ yến nhỏ như quân bài, nặng từ 3 - 5g gọi là yến bài; tổ yến dính đất, rong rêu, phân chim vì nằm tại các lỗ hang sâu tối và hẹp gọi là yến địa. Đặc biệt, tại bán đảo Phương Mai có một số hang đảo thiên nhiên có tổ yến huyết, tổ yến hồng với hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Các chất khoáng đa vi lượng từ vách đá nơi chim yến làm tổ hòa tan vào chất dịch tương chim tiết ra đã tạo nên những tổ yến có màu sắc và hương vị đặc trưng của yến sào đảo thiên nhiên tại bán đảo Phương Mai.
Trước đây, bán đảo Phương Mai có 16 hang yến nhưng năm 2017, nhờ áp dụng công nghệ di đàn chim yến cho các hang yến tự nhiên dọc bán đảo, đã phát hiện thêm 1 hang có yến đến làm tổ. Các hang yến từng trực thuộc Ban Quản lý và Khai thác yến sào Bình Định, sau đó tỉnh ban hành Đề án Quản lý, khai thác yến sào tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2020, tổ chức mời gọi nhà đầu tư và giao Công ty CP Yến Ngọc quản lý trong suốt giai đoạn này. Cuối năm 2020, tỉnh ban hành Đề án cho giai đoạn tiếp theo (2021 - 2030), giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện gói thầu quản lý, khai thác các hang yến trên bán đảo Phương Mai giai đoạn 2021 - 2030. Qua hai đợt đấu thầu, tỉnh vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư nào đủ năng lực kinh nghiệm, tài chính tham gia. Hiện tại, tỉnh giao Sở NN&PTNT quản lý tạm thời các hang yến trong thời gian mời gọi nhà đầu tư.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, trong giai đoạn trước, Công ty CP Yến Ngọc đã quan tâm đến công tác nuôi dưỡng và phát triển quần đàn chim yến tại đảo. Ngoài việc áp dụng những giải pháp kỹ thuật đồng bộ nhằm bảo vệ, chăm sóc, di đàn chim yến để gia tăng cá thể chim trên bán đảo, Công ty còn thực hiện mô hình nhà dưỡng chim non tại hang Cả. Nhờ vậy, mỗi năm, các hang yến trên bán đảo Phương Mai vui đón từng đàn chim yến bay về, kết đôi, làm tổ, tạo ra những giá trị đặc hữu, cung cấp nguồn “vàng trắng” có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.
Để tiếp tục duy trì và phát triển nguồn lợi yến sào tại đây, Sở NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện gói thầu quản lý, khai thác các hang yến trên bán đảo Phương Mai giai đoạn 2021 - 2030”, ông Trần Văn Phúc cho hay.
Bài, ảnh: NGỌC TÚ