Vật liệu xây dựng tăng giá... chóng mặt
Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát, đá… liên tục tăng nhanh. Diễn biến này khiến nhiều chủ đầu tư công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân giãn tiến độ, thậm chí tạm ngừng thi công.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) nhiều lần thay đổi theo hướng tăng lên. Khảo sát thị trường của chúng tôi cho thấy, thép tăng giá nhiều nhất. Theo nhiều chủ cửa hàng VLXD, từ đầu tháng 4 đến nay đại diện các nhãn hàng như: Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Việt Nhật, Tungho, Kyoei... liên tục thông báo điều chỉnh tăng giá, có khi chỉ trong 1 tuần đã thay đổi tới vài lần.
Theo báo giá mới nhất ngày 8.5 của DNTN TM Hoài Thương, đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn, giá thép phi 6 - 8 khoảng 19.000 - 19.150 đồng/kg. Giá thép phi 10 là trên 133 nghìn đồng/cây. Cao nhất là giá thép phi 25, lên tới hơn 832 nghìn đồng/cây. Mức giá này cao hơn trên 40% so với thời điểm cuối quý III/2020. Không chỉ thép, giá xi măng cũng tăng, dao động từ khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/ tấn. Đá chẻ 5.200 - 6.200 đồng/ viên, đá 4x6 230 nghìn đồng/m3. Giá cát san lấp từ 65.000 - 90.000 đồng/m3. Giá cát đen xây dựng từ 130 đến 140 nghìn đồng/m3. Cao nhất là cát vàng thô, lên tới 210 - 300 nghìn đồng/m3.
Giá VLXD tăng cao khiến nhiều người có nhà đang xây gặp khó khăn. Chị Nguyễn Ngọc Trâm, ở đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn cho biết: “Cuối năm 2020, DN báo giá xây dựng trọn gói là 6 triệu đồng/m2, như vậy tổng giá trị hợp đồng xây dựng 120 m2 của tôi là 720 triệu đồng. Triệt hạ xong thì nhà thầu thông báo do giá VLXD tăng nhiều quá nên giá trị hợp đồng điều chỉnh lên hơn 850 triệu đồng!”.
Tương tự anh Lê Tấn Hồng, ở đường Lê Hồng Phong, TX An Nhơn - người đang xây dở dang căn nhà có diện tích xây dựng khoảng 100 m2 - cho biết: Giá nhiều loại VLXD tăng cao khiến kế hoạch của tôi bị đảo lộn. Ban đầu cứ nghĩ vài hôm nữa thôi giá sẽ hạ, nhưng càng cố giá lại càng lên, giờ đành bấm bụng xây tiếp ít nhất là cho xong phần thô chứ không lẽ dừng giữa chừng...
Việc VLXD tăng giá cao lại quá nhanh trong khung thời gian hẹp khiến nhiều người, nhiều đơn vị tạm ngừng ý định, dự án xây dựng để chờ giá hạ. Điều này làm hoạt động của các DN kinh doanh VLXD ngưng trệ hẳn. Hầu hết chủ các cửa hàng, chủ vựa VLXD cho biết, ước tính doanh thu chỉ bằng chừng 20 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái dù đang là mùa xây dựng. Đây là điều rất bất ngờ vì đầu mùa hầu hết đều cho rằng, năm nay tình hình sẽ thuận lợi hơn và để kích cầu, giá VLXD có khi sẽ thấp hơn năm ngoái.
Một hệ lụy của biến động giá VLXD là các nhà thầu, nhất là với những đơn vị chuyên hợp đồng xây dựng trọn gói gặp rất nhiều khó khăn, do hợp đồng đã ký không có điều khoản điều chỉnh giá. Chi phí vật liệu thường chiếm từ 40 - 70% tổng dự toán; ước tính chỉ riêng biến động từ xi măng, thép, đá, cát và gạch khiến nhà thầu lỗ khá nhiều. Một số nhà thầu đã đàm phán với chủ đầu tư theo hướng: Điều chỉnh giá trị hợp đồng hoặc cho phép giãn tiến độ - tạm ngưng thi công để giảm bớt thiệt hại.
Theo một số thành viên Hiệp hội các nhà thầu xây dựng tỉnh, trong bối cảnh hiện nay, phương án được sử dụng phổ biến nhất là giãn tiến độ thi công; một số nhà thầu thậm chí sẽ bớt xén VLXD, như: Giảm lượng vữa xây tô, giảm lượng sắt thép, thay đổi quy cách thép, sử dụng vật liệu rẻ tiền hơn... Điều này sẽ dẫn đến việc chất lượng công trình bị sụt giảm nghiêm trọng. Đây là thời điểm chủ đầu tư nên theo dõi, giám sát công trình của mình thật chặt chẽ, chi tiết
Bài, ảnh: HẢI YẾN