TIẾP NHẬN HỒ SƠ, TRẢ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH:
Nỗ lực nâng cao số lượng lẫn chất lượng
Lượng hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Ghi nhận nỗ lực của các bên liên quan, song vẫn phải khẳng định còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục nâng cao số lượng hồ sơ cũng như chất lượng dịch vụ.
Thuận lợi nhiều mặt
Theo thông tin từ Sở TT&TT, thời gian qua, Sở đã phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nhân viên Bưu điện tỉnh thực hiện thủ tục nhận trả căn cước có gắn chip cho công dân.
Kết quả tổng hợp số liệu trong năm 2020 của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và Bưu điện tỉnh cho thấy, có 95/119 TTHC được công bố đã phát sinh hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả. Có 7.601 hồ sơ TTHC được tiếp nhận, 20.048 kết quả giải quyết trả qua dịch vụ bưu chính công ích (năm 2018, số liệu này lần lượt là 4.553 và 11.856). Trong quý I/2021, có 1.863 hồ sơ tiếp nhận và 5.888 kết quả chuyển trả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Kết quả tổng hợp và tự chấm điểm theo tiêu chí 7.3 trong bộ chỉ số cải cách hành chính về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích năm 2020 của toàn tỉnh đạt 1,25/1,25 điểm tối đa.
Để có được kết quả này, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực. Bưu điện tỉnh đã triển khai chương trình ra quân lưu động đến thôn, xã để truyền thông, giới thiệu và tiếp nhận các hồ sơ (giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp, hồ sơ lĩnh vực thủy sản…) qua dịch vụ bưu chính công ích tại từng điểm bưu điện văn hóa xã.
“Chúng tôi cũng chú trọng đào tạo cho nhân viên kinh doanh, giao dịch viên quy trình, nghiệp vụ từ khâu tiếp nhận đến phát trả để đảm bảo chất lượng, thời gian quy định. Hằng tuần đều tổ chức các bài test nội dung liên quan đến cung cấp dịch vụ cho các đối tượng là giao dịch viên, nhân viên bưu điện văn hóa xã để nắm chắc nghiệp vụ trong quá trình thực hiện”, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Phan Thị Lê Hoa thông tin.
Trong khi đó, Sở TT&TT đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành Văn bản 1254/UBND-KSTT ngày 4.3.2020 về việc thông tin, tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, theo đó đã áp dụng giảm giá 50% cước tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích từ ngày 1.3 - 31.3.2020.
Theo đánh giá của Sở TT&TT, lãnh đạo, cán bộ làm trực tiếp bộ phận giải quyết TTHC đã có sự đồng lòng, chỉ đạo sâu sát việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ qua bưu chính công ích. Nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, tác phong chuyên nghiệp, thái độ phục vụ nhân dân cải thiện rõ rệt, giảm phiền hà, nhũng nhiễu trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.
“Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận với các cơ quan nhà nước, mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, giúp giảm chi phí, thời gian đi lại, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giảm áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, góp phần đẩy mạnh việc cải cách hành chính tại cơ quan. Bên cạnh đó, người dân nộp trực tiếp cho điểm phục vụ bưu chính, không tập trung đông tại bộ phận một cửa cấp huyện, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, hạn chế được sự tập trung đông người trong tình hình dịch bệnh Covid-19”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Mừng cho hay.
Cần điều chỉnh phù hợp với thực tế
Bên cạnh những chuyển biến đáng kể, việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích tại một số đơn vị chưa thật sự hiệu quả. Ở một số sở, địa phương, số lượng hồ sơ TTHC phát sinh nhiều nhưng thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp. Công tác phối hợp giữa cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa giải quyết TTHC và bưu điện chưa thật sự tích cực trong việc truyền thông tới người dân, DN lợi ích của dịch vụ này.
“Người dân chưa quen với việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, sợ khi tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ này kéo dài thời gian hơn, sợ thất lạc hồ sơ, giấy tờ, nên phải đến cơ quan nơi giải quyết các TTHC để gửi, nhận trực tiếp”, ông Nguyễn Thanh Mừng nhận định.
Bên cạnh đó, cả năm 2020, 24/119 TTHC đã đăng ký không phát sinh hồ sơ giao dịch. Do đó, Sở TT&TT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương thay thế Quyết định số 4009/QĐ-UBND ngày 14.11.2018 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Bưu điện tỉnh cũng xác định phải nỗ lực hơn nữa, chủ động phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và UBND cấp huyện hướng dẫn các cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký nhận kết quả qua đường bưu điện đạt tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành lựa chọn các thủ tục có phát sinh hồ sơ nhiều để tổ chức tập huấn cho nhân viên bưu điện về cách thức tiếp nhận, nhằm tăng sản lượng hồ sơ được chấp nhận tại các điểm giao dịch bưu điện.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và sử dụng dịch vụ; đặc biệt là chấp nhận thực hiện TTHC tại các điểm giao dịch Bưu điện”, Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG