Lưu ý khi sử dụng paracetamol
Ở Việt Nam, paracetamol đã trở thành loại thuốc hạ sốt dùng rất phổ biến, nhưng chính sự phổ biến này khiến tình trạng ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên.
Ngay sau khi uống, paracetamol được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt tới đỉnh cao trong máu khoảng từ 30 - 60 phút, phân bố nhanh và đồng đều ở các mô trong cơ thể. Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan và một phần nhỏ ở thận thành nhiều hoạt chất khác nhau để thải trừ ra khỏi cơ thể. Nếu uống quá liều paracetamol sẽ có nguy cơ ngộ độc, làm gan bị nhiễm độc
Các triệu chứng ngộ độc: Ngày đầu có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, da xanh tái, móng tay móng chân tím tái… Ngày thứ hai có thêm các dấu hiệu nặng hơn như đau vùng gan, da mắt vàng, tiểu ít. Ngày thứ 3 và 4 biểu hiện toàn phát, rất nặng, người bệnh rơi vào trạng thái suy đa phủ tạng, hôn mê, sốt…
Trên thị trường có nhiều tên thuốc khác nhau nhưng cùng chứa dược chất paracetamol như: Panadol, Pamin, Panandol, Decolsin, Deconal, Decolgen, Decolgen Forte… Người bệnh có thể bị ngộ độc do uống nhiều loại thuốc cùng chứa hoạt chất paracetamol mà không biết.
Khi bị sốt cao, không được sử dụng paracemol liều cao để hạ sốt nhanh. Tùy theo lứa tuổi, cân nặng mà có liều dùng khác nhau, nhưng mỗi lần uống thuốc phải cách nhau từ 4 - 6 giờ. Sau khi uống thuốc, cơn sốt xuất hiện khi chưa qua 4 giờ thì không được dùng thêm thuốc, mà phải sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như uống nhiều nước, chườm nước ấm, mặc quần áo thoáng mát… Chỉ dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi thân nhiệt trên 380 C; không tự ý dùng thuốc kéo dài trên 3 ngày.
Trẻ em rất dễ bị ngộ độc paracetamol vì cân nặng cơ thể thấp nên dễ quá liều, đồng thời chức năng khử độc và thải độc của gan và thận chưa hoàn thiện. Nếu trẻ uống 150 mg/kg cân nặng trong một ngày là có thể bị ngộ độc. Dùng thuốc cho trẻ đúng liều nhưng kéo dài trên 5 ngày sẽ có nguy cơ ngộ độc vì thuốc được tích trữ lâu ngày trong cơ thể. Liều dùng cho trẻ từ 10 mg đến 15 mg/kg cân nặng, không dùng quá 5 lần trong 24 giờ. Không tự ý dùng thuốc cho trẻ sốt trên 3 ngày trong trường hợp trẻ sốt trên 39,50 C.
Người lớn mỗi lần dùng 500 mg, có thể tới 1.000 mg với mục đích giảm đau nhưng không dùng thuốc kéo dài trên 10 ngày. Người già yếu hoặc mắc các bệnh mãn tính thường bị suy giảm chức năng gan thận nên cũng rất dễ ngộ độc. Người mắc các bệnh mãn tính phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Ở người già, người mắc các bệnh mãn tính thường được chỉ định dùng paracetamol liều thấp hơn do chức năng gan kém. Đặc biệt với phụ nữ mang thai, chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của thầy thuốc, vì ngộ độc paracetamol ở phụ nữ mang thai có nguy cơ dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)