Huyền Như lừa 4.000 tỷ đồng bị tuyên chung thân
Sáng nay, 27.1, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi) cùng 22 đồng phạm.
Tòa nhận định, Huyền Như nguyên là cán bộ của Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) do mong muốn mở rộng làm ăn đã vay của các tổ chức, cá nhân 200 tỉ đồng. Làm ăn thua lỗ, Như nảy sinh lừa đảo tiền để trả nợ bằng cách làm 8 con dấu giả, hợp đồng giả, chữ ký giả… Tổng số tiền bị cáo lừa đảo lên đến 4.000 tỷ đồng. Như lừa của 9 tổ chức, 3 ngân hàng và 3 cá nhân.
Lời khai của Huyền Như đúng như lời khai trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác. Hành vi của Như đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, các luật sư cho rằng Như phạm tội Tham ô tài sản là chưa đúng bản chất của vụ án. Do đó, tòa bác ý kiến của các luật sư. Không chỉ thế, trong quá trình tham gia tranh luận, luật sư bào chữa cho Như cho rằng Như chỉ phạm một tội là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, tòa cho rằng, nhận định này là không chính xác, bởi đây là hai tội khác nhau và Như đều có dấu hiệu phạm tội cả hai tội và không phải là một hành vi, xử lý hai lần. Hành vi của Như là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền cực lớn, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng… Do đó, cần có mức án nghiêm khắc. Từ những nhận định này, tòa cho rằng cần loại bỏ Như ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, Như cũng nhận được một số tình tiết giảm nhẹ như đang nuôi con nhỏ, lần đầu phạm tội, hối hận, thành khẩn khai báo… Trong vụ án này, Như đã có ý định lừa đảo ngay từ đầu và sau đó thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, Như phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự đối với 4.000 tỉ đồng đã lừa đảo. Điều này đồng nghĩa với việc, Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại, nguyên đơn dân sự. Bị cáo Võ Anh Tuấn, mặc dù không ký trên các hợp đồng nhưng vẫn ký 10 giấy xác nhận của công ty Thái Bình Dương chuyển tiền vào Vietinbank là căn nguyên để công ty này chuyển tiền cho Như chiếm đoạt 10 tỉ đồng. Mặc dù Tuấn không nhận tội nhưng qua lời khai của Như cũng như các bị cáo khác vẫn đủ cơ sở xác định Tuấn phạm tội. Nhóm các bị cáo cho vay nặng lãi chính là tác nhân lớn đẩy Huyền Như vào con đường phạm tội. Chính hành vi của các bị cáo này đã gây ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động tài chính, ngân hàng của nhà nước. Các bị cáo vì lòng tham, đã đưa tiền cho Như với lãi suất lớn để thu lợi bất chính số tiền cực lớn bỏ mặc qui định của nhà nước. Do đó, cần có mức án nghiêm khắc đối với các bị cáo này. Đối với nhóm bị cáo thiếu trách nhiệm, tòa cho rằng, nếu thực hiện đúng qui trình của ngân hàng thì không thể tạo điều kiện cho Như phạm tội. Chính các bị cáo quá tin tưởng vào Như nên “vô tình” phạm tội. Trong suốt phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn, hối hận chính là tình tiết giảm án. Đối với Phạm Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thái Bình Dương) đã lấy tiền của nhà nước cho vay thu được lợi nhuận 50 tỉ đồng, bỏ túi 121 tỉ đồng, làm thất thoát 80 tỉ đồng. Tuấn là người đứng đầu công ty, đáng lẽ tiền chưa dùng thì phải trả lại chứ không thể đem đi cho vay để lấy lời, thu lợi bất chính. Tòa quyết định tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Võ Anh Tuấn 20 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huỳnh Mỹ Hạnh 14 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Thị Lành 9 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay nặng lãi.
Trần Thị Tố Quyên 14 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đào Thị Tuyết Dung 12 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay nặng lãi.
Phạm Anh Tuấn 14 năm tù giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đoàn Lê Du 17 năm tù, Huỳnh Hữu Danh 17 năm tù, Phạm Thị Tuyết Anh 15 năm tù giam, Tống Nguyên Dũng 15 năm tù, Huỳnh Trung Chi 15 năm tù, Bùi Ngọc Quyên 14 năm tù, Vũ Nguyễn Xuân Tiên 11 năm tù, Trần Thanh Thanh 10 năm tù giam, Hoàng Hương Giang 8 năm tù, Hồ Hải Sỹ 6 năm tù giam, Lê Thị Ngọc Lợi 4 năm tù giam cùng về tội Vi phạm qui định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Lương Thị Việt Yên 7 năm tù giam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyễn Thiên Lý 2 năm tù giam, tổng hợp hình phạt bản án trước là 6 năm tù giam. Hùng Mỹ Phương 2 năm 2 tháng 10 ngày tù, được trả tự do. Phạm Văn Chí 1 năm tù cho hưởng án treo. Cả ba bị cáo cùng phạm tội Cho vay nặng lãi. Về phần trách nhiệm dân sự, tòa buộc Huyền Như phải bồi thường cho các bị hại, nguyên đơn dân sự.
. Theo Hà An (Hà Nội mới)