Quy Nhơn chung tay “không để ai bị bỏ lại phía sau”
Huy động nguồn lực đa dạng, phát động nhiều phong trào giúp nhau làm kinh tế, tăng sự đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư... là những cách làm hiệu quả để TP Quy Nhơn trở thành điển hình của tỉnh trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 17.11.2017 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Quy Nhơn chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cộng đồng chung tay
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Phương Nam, qua thực hiện phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố.
Bàn giao nhà “Khăn quàng đỏ” cho gia đình em Nguyễn Duy Thống. Ảnh: Thành đoàn Quy Nhơn
Trong đó, nổi bật là Hội LHPN thành phố chỉ đạo 100% cơ sở Hội hưởng ứng thực hiện đợt thi đua “Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Trong năm 2020, nhiều hình thức tiết kiệm đã triển khai như “tiết kiệm mùa xuân”, “tiết kiệm quay vòng”, “tiết kiệm chi tổ”, “tiết kiệm tương trợ” với số tiền 9 tỷ đồng giúp cho 2.837 hội viên phụ nữ vay vốn làm ăn không tính lãi. Đồng thời, Hội chỉ đạo xây dựng nhân rộng nhiều mô hình tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: Tổ liên kết may gia công, tổ sản xuất bánh phở, tổ phụ nữ kinh doanh mặt hàng đặc sản Bình Định, tổ phụ nữ trồng nấm...
Còn Hội Nông dân thành phố đã vận động các hộ nông dân khá, giàu giúp đỡ 25 hộ nông dân khó khăn với số tiền là 119,2 triệu đồng, cùng kinh nghiệm sản xuất, 254 ngày công và hỗ trợ cây, con giống trị giá 47,85 triệu đồng để cùng nhau phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác vận động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, gia đình khó khăn cũng thu được kết quả đáng khích lệ. Năm 2020, Hội Nông dân thành phố đã vận động các DN hỗ trợ xây dựng 2 nhà cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 80 triệu đồng ở xã Phước Mỹ và phường Bùi Thị Xuân. Thành đoàn Quy Nhơn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xây dựng ngôi nhà Khăn quàng đỏ cho em Nguyễn Duy Thống, học sinh Trường THCS Nhơn Bình, là đội viên vượt khó học tốt, với tổng trị giá 60 triệu đồng. “Mỗi năm chúng tôi kêu gọi nguồn tài trợ xây dựng 1 nhà Khăn quàng đỏ, với mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng trở lên, cùng với nhiều ngày công và quà tặng là đồ dùng gia đình khi bàn giao nhà”, Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Thị Hoa Sen cho hay.
Đáng chú ý trong phong trào thi đua giảm nghèo ở TP Quy Nhơn là một số phường không còn hộ nghèo kết nghĩa với một xã còn nhiều khó khăn để tương trợ cùng xóa hộ nghèo. Kết nghĩa từ tháng 8.2017 đến nay, phường Lê Lợi đã sát cánh với xã Nhơn Hải trên hành trình giảm nghèo. “Các hộ nghèo được chọn hỗ trợ đều có phương án làm ăn khả thi, nên từng khoản hỗ trợ đều phát huy hiệu quả, thật sự là “cần câu” cho bà con ở xã bán đảo”, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi Nguyễn Phạm Thanh Hoàng chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Nguyễn Ngọc Nam, đến nay, cả 6 hộ nghèo của xã được phường Lê Lợi “đỡ đầu” đều đã thoát nghèo. Nhơn Hải hiện chỉ còn 11 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.
Không để tái nghèo
Với rất nhiều nỗ lực, trong năm 2020, toàn TP Quy Nhơn đã có 73 hộ thoát nghèo. Một số phường, xã giảm vượt chỉ tiêu như: Nhơn Phú (giảm 7 hộ/kế hoạch giảm 2 hộ), Nhơn Bình (9/5), Ngô Mây (6/2), (Nhơn Lý 4/1), (Nhơn Hải 5/3), Nhơn Châu (3/1). Hầu hết các phường, xã không phát sinh hộ nghèo, riêng phường Đống Đa có thêm 2 hộ nghèo do đời sống khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo lâu ngày.
Kết quả điều tra năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 0,17% (123 hộ), giảm 0,09% so với năm 2019, vượt chỉ tiêu HĐND thành phố giao (giảm 0,06%). Đặc biệt, đã hoàn thành xóa hộ nghèo ở xã Nhơn Lý; duy trì 7 phường không còn hộ nghèo: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Ghềnh Ráng, Thị Nại.
Hiệu quả rõ rệt từ phong trào thi đua “Quy Nhơn chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” là cơ sở quan trọng để thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 0,14% (giảm 0,03% so với năm 2020), tương ứng với 101 hộ thoát nghèo. Đồng thời, giữ vững 8 phường, xã không còn hộ nghèo; phấn đấu xóa nghèo tại phường Hải Cảng, Ngô Mây.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, để đạt được các mục tiêu đó, quan trọng là phải đảm bảo đủ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và các hộ có đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.
Các xã xây dựng nông thôn mới và xã đảo tiếp tục được ưu tiên đối với các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để có điều kiện xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình phúc lợi công cộng... nhằm phục vụ và ổn định đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
“Các phường, xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp cần phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể ở thành phố và phường, xã có phương án hỗ trợ số hộ nghèo còn lại thoát nghèo bền vững, đảm bảo tính khả thi. UBND các phường, xã tiếp tục theo dõi, có biện pháp hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để không tái nghèo, nhất là chăm lo việc học tập cho các em học sinh”, ông Nam nói.
Cùng với đó là tổ chức thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề, kết hợp cả ba trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Qua đó, làm cho người lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm được hộ nghèo hằng năm trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố.
NGUYỄN VĂN TRANG