Khẩn cấp bảo vệ “thành trì” chống dịch
Cơ sở y tế để lọt ca nhiễm Covid-19 sẽ có hậu quả rất nghiêm trọng, một loạt biện pháp chống dịch được thiết lập để bảo vệ “thành trì” chống dịch. Trong khi đó, ngay tại các “cửa ngõ” ngăn dịch xâm nhập, không chỉ đường bộ mà cả ở đường biển cũng được kiểm soát gắt gao.
Giãn cách, xét nghiệm, sẵn sàng khu cách ly y tế
Siết chặt quy trình phòng chống dịch, các cơ sở y tế đã kích hoạt lại toàn bộ hệ thống, quy trình chống dịch, phương án ứng phó từng tình huống cụ thể. Cuối ngày 11.5, trả lời câu hỏi của chúng tôi, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định đã yêu cầu toàn bộ đơn vị trực thuộc và cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập rà soát, thực hiện tốt công tác kiểm soát lây chéo trong cơ sở điều trị; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm, hóa chất khử khuẩn… phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Các cơ sở y tế siết chặt khai báo y tế, đo thân nhiệt, hạn chế người bệnh và người nhà bệnh nhân. Ảnh: T.HIỀN
Ghi nhận tại BVĐK tỉnh, đơn vị thực hiện sàng lọc dịch Covid-19 với 3 bước: Cổng bệnh viện - khoa Khám bệnh - khoa điều trị nội trú. Toàn bộ các biện pháp thực hiện 5K, đo thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng sàng lọc bệnh… đều được nâng lên đến mức cao nhất. Các biện pháp giãn cách được thực hiện nghiêm, hạn chế tập trung đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo, như: Không đón khách đến thăm bệnh; giảm tối đa bệnh nhân điều trị nội trú, mỗi bệnh nhân chỉ một người nhà chăm sóc, có thẻ nuôi bệnh và thực hiện khai báo y tế, lập danh sách quản lý hằng ngày ở khoa điều trị; toàn bộ bệnh nhân nhẹ được chuyển về TTYT tuyến huyện, hoặc cho ra viện. Lập tổ quản lý người ra - vào “xóm chạy thận” trong khuôn viên bệnh viện.
Đến sáng 12.5, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng cho hay: Chúng tôi đã giảm số lượng bệnh nhân điều trị nội trú xuống còn dưới 900 (giảm khoảng 40% so với trước đó). Để đảm bảo giãn cách bệnh nhân, bệnh viện sắp xếp khoảng 1.600 nhân viên thành 3 kíp trực, dự phòng tình huống xấu nhất có ca nhiễm trong bệnh viện buộc phải phong tỏa khoa, phòng thì còn có ê kíp khác làm việc. Bệnh viện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho toàn bộ bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp và toàn bộ nhân viên; đến nay đã sàng lọc cho 20% nhân viên tuyến đầu chống dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 toàn bộ nhân viên cơ sở y tế. Ảnh: T.HIỀN
Cũng trong sáng 12.5, tất cả bệnh viện, TTYT tuyến huyện đã rà soát, giảm bệnh nhân nội trú từ 40% - 70%, đảm bảo giãn cách. Ghi nhận tại TTYT TP Quy Nhơn chỉ còn 130 bệnh nhân (giảm hơn 50%), một số khoa “sạch” bệnh nhân như Y học cổ truyền, Liên chuyên khoa. Còn BVĐK khu vực Bồng Sơn giảm chỉ còn 300 bệnh nhân, giảm 50%.
Thông tin từ Sở Y tế cho đến sáng 12.5, đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho hơn 500 nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, kế hoạch toàn ngành sẽ làm cuốn chiếu đợt đầu trong tuần này.
Song song với chiến lược xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, chiến lược điều trị cách ly y tế ca mắc Covid-19 cũng được xác định thay đổi từ thời điểm này. Thay vì chủ yếu điều trị tại BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn như 3 đợt dịch Covid-19 trước, trong ngày 11.5, chỉ đạo khẩn được đưa ra là tất cả TTYT huyện, thị xã, thành phố đều phải vào cuộc và hoàn thành phương án này đến ngày 14.5.
Cụ thể, các TTYT tuyến huyện thực hiện khu cách ly y tế tại khoa Truyền nhiễm; bên cạnh đó tổ chức khu cách ly y tế tại các phòng khám đa khoa khu vực: Bình Dương, Cát Minh, Phước Hòa, số 4 Phú Tài. Riêng bệnh viện dã chiến được thiết lập lại tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (cơ sở 1) quy mô 300 giường bệnh.
Đến chiều 12.5, BVĐK tỉnh đã sẵn sàng phương án tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng chuyển tuyến; đặc biệt cả tình huống xấu nhất - cách ly y tế một khoa, phòng, hoặc cả bệnh viện lên đến hơn 3.000 người cũng được giả lập để có hướng xử lý. TTYT TP Quy Nhơn cũng triển khai phương cách cách ly điều trị tại trung tâm và phòng khám số 4 Phú Tài. Còn tại TTYT TX An Nhơn, Giám đốc Lê Thái Bình cho hay: Khi phát hiện ca bệnh tại khoa, phòng, lập tức khoanh vùng, phân luồng cách ly ngay và tổ chức cách ly toàn bệnh viện; lập tức chuyển ca bệnh về khu cách ly điều trị khoa Truyền nhiễm; bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân nặng không có nguy cơ mắc Covid-19 chuyển sang các khoa khác để tiếp tục điều trị hoặc lên BVĐK tỉnh.
Cảng biển ráo riết chặn dịch
Cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại và Tân cảng miền Trung có lượng tàu hàng, cùng thuyền viên trong và ngoài nước ra - vào lớn, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhiễm rất cao. Vì vậy, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, ngành chức năng của tỉnh, DN siết chặt công tác phòng chống dịch.
Theo ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, tất cả tàu nước ngoài và tàu biển của Việt Nam tham gia vận tải quốc tế đều phải khai lịch trình di chuyển cho cảng vụ và cơ quan y tế tối thiểu 12 giờ trước khi tàu dự kiến đến phao số 0. Tại phao số 0, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn,Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) khử khuẩn khu vực hầm hàng trên tàu; thuyền trưởng, thuyền viên đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt. Khi tàu vào các cảng biển, thành viên trên tàu thực hiện cách ly tại tàu theo đúng quy định, trường hợp khẩn cấp cần lên bờ phải được sự chấp thuận của cảng vụ và CDC. Riêng thuyền viên Việt Nam trên các tàu vận tải quốc tế đã hết thời hạn lao động cần hồi hương, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, CDC tiếp nhận, cách ly tập trung.
Hiện, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cũng đã chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống dịch Covid-19 xâm nhập vào. Theo đó, các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với thuyền viên và làm thủ tục cho tàu thuyền ra vào cảng biển sẽ được chia thành 2 đội, làm việc luân phiên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trường hợp 1 trong 2 đội có người nhiễm Covid-19, lập tức sẽ chia đội còn lại thành 2 đội nhỏ để đảm nhận công việc.
Công ty CP Cảng Quy Nhơn, Công ty CP Cảng Thị Nại, Công ty CP Tân Cảng miền Trung cũng đã triển khai cấp bách biện phòng phòng, chống dịch. Riêng tại cảng Quy Nhơn, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt xe vận tải hàng hóa ra vào cảng, cùng hàng trăm tàu hàng trong và ngoài nước cập cảng hằng tháng, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã trang bị đầy đủ dụng cụ, thuốc sát khuẩn, khẩu trang phục vụ chống dịch; thiết lập chốt kiểm soát dịch tại cổng ra vào cảng.
Trước khi vào cảng Quy Nhơn, tài xế, phụ xe khai báo y tế, đo thân nhiệt, phương tiện được phun thuốc khử độc, sát trùng. Ảnh: T.SỸ
Tại khu vực cầu cảng và cầu tàu cảng Quy Nhơn có nhiều tàu hàng đang neo đậu, thuyền viên trên các tàu hàng và công nhân đều thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ông Võ Văn Tín, công nhân bốc dỡ hàng hóa thuộc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, chia sẻ: Chúng tôi tự giác duy trì việc mang khẩu trang từ nhà đến công ty; trước khi vào việc đều rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang suốt quá trình bốc dỡ hàng; không lên boong tàu hàng và không tiếp xúc với các thuyền viên trên tàu.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn Nguyễn Thành Nam, chia sẻ: Tất cả tài xế, phụ xe vận tải hàng hóa ra vào cảng Quy Nhơn thực hiện nghiêm phòng, chống dịch Covid-19. Thuyền trưởng, thuyền viên tàu hàng cách ly trên tàu, không được rời tàu. Nhân viên có nhiệm vụ lên tàu hàng, thường xuyên tiếp xúc với thủy thủ, thuyền viên, chúng tôi trang bị bảo hộ y tế chuyên dụng; nghiêm cấm người không liên quan lên tàu hàng, tuyệt đối không tiếp xúc với thủy thủ, thuyền viên. Hằng ngày, trạm y tế kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch khu vực trong cảng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Xây dựng kịch bản ứng phó 3 tình huống: Có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại tỉnh nhưng không xuất phát từ cảng Quy Nhơn; ghi nhận ca nhiễm là thủy thủ trên tàu vào làm hàng tại cảng hoặc nhân viên của đối tác khách hàng làm việc trong cảng; xác định ca nhiễm là cán bộ, người lao động trong công ty.
Trung tá Phạm Văn Đảm, Đội trưởng đội thủ tục Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, cho hay: Hiện tại cảng Quy Nhơn có 4 tàu hàng Việt Nam (76 thuyền viên) và 4 tàu nước ngoài (123 thuyền viên); cảng Thị Nại có 5 tàu hàng trong nước (54 thuyền viên); Tân cảng miền Trung có 2 tàu trong nước (18 thuyền viên). Tất cả tàu hàng, thuyền viên đều được kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ.
Ngành Y tế đã đặt toàn hệ thống ở mức báo động cao nhất. Thay đổi cực kỳ quan trọng, quyết định cho sự thành bại của chiến lược phòng, chống dịch trong cơ sở y tế thời điểm này là xét nghiệm sàng lọc thường xuyên và định kỳ toàn bộ bệnh nhân hô hấp, nhân viên y tế - đây là vũ khí hàng đầu để chúng ta phát hiện sớm ca Covid-19.
Thay đổi thứ hai là trong chiến lược điều trị, thực hiện điều trị cách ly y tế ngay tại cơ sở y tế tuyến huyện. Cụ thể, bệnh nhân mắc Covid-19 thể không có triệu chứng ở địa phương nào điều trị tại địa phương đó; bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi, bệnh nhân nặng đưa về BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn. Điều này vừa đáp ứng tình huống khẩn cấp, vừa giảm được áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối, tránh trong trường hợp đóng cửa, phong tỏa dẫn đến “khủng hoảng về y tế” - Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng
Về năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, đến nay BVĐK tỉnh có thể thực hiện gộp mẫu xét nghiệm 2.000 người/ngày, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cũng hỗ trợ cho tỉnh; gộp cả 2 đơn vị có thể xét nghiệm tối đa 6.000 - 7.000 mẫu/ngày. Khẩn trương phục vụ công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu Sở Y tế triển ngay kế hoạch thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại tỉnh.
Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn thiết lập đường dây nóng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực cảng biển Quy Nhơn, số điện thoại: 0256.3891809; và khu vực cảng biển Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), số điện thoại: 0257.3511661.
THU HIỀN - TIẾN SỸ